I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
Thánh Carôlô Bôrrômêô chào đời Vào ngày 02 tháng 10 năm 1538 tại Milan, nước Ý, cậu bé Carôlô Bôrrômêô trong một gia đình đạo đức, thánh thiện. Với bầu khí thanh tao, đạo đức của gia đình, một gia đình luôn có dáng dấp của gia đình thánh gia: Chúa Giêsu, mẹ Maria và thánh Giuse. Carôlô Bôrrômêô được hun đúc, được giáo dục thật hoàn hảo để tiến thân trên đường nhân đức. Mới có 12 tuổi, thánh nhân đã tận hiến cuộc đời mình cho Chúa và gia nhập hàng giáo sĩ. Với trí thông minh sẵn có, với óc cầu tiến, với tinh thần vươn cao, thánh nhân đã đã đậu hai bằng tiến sĩ giáo luật và dân luật vào năm 21 tuổi. Ơn Chúa trợ giúp và Thánh Thần tác động, Ðức giáo hoàng lúc đó đã triệu vời Ngài về giáo triều, phong cho Ngài chức Hồng Y và đặt Ngài làm tổng giám mục Milan.
Thánh Carôlô Bôrrômêô vì luôn có tấm lòng muốn nên hoàn thiện, một vị thánh đã có công rất lớn với Giáo Hội. Ngài đã bỏ rất nhiều công sức để giúp Giáo Hội thăng tiến. Ngài đã có công rất nhiều trong việc điều hành công đồng Triđentinô. Thánh nhân yêu thương người nghèo, người neo đơn, mồ côi, góa bụa. Hồi đó, bệnh dịch lan tràn khắp nơi, gây tang thương chết chóc cho nhiều người. Thánh nhân đã bán hết tài sản để phân phát cho người nghèo khó, chính Ngài đã đích thân thăm viếng bệnh nhân và ban bí tích cho họ. Thánh nhân đã cố gắng, bỏ nhiều thời gian để viết sách, những sách của Ngài rất có giá trị về mặt mục vụ của các Giám Mục và việc dạy giáo lý của các Cha quản xứ. Ngài đã lập một Dòng riêng cho địa phận mang tên thánh Ambrôsiô. Thánh nhân cũng xây cất nhiều cơ sở công giáo và chủng viện. Bất cứ làm công việc gì, bất hoàn cảnh nào, bất cứ ở địa vị nào, chức vụ nào, thánh nhân cũng luôn làm vì vinh quang Chúa Kitô.
Với đức tính hiền lành và khiêm nhượng, với lòng nhiệt thành phụng sự Chúa và các linh hồn, với nhiều sức lực và óc thăng tiến, thánh nhân đã luôn cảm nghiệm lời Chúa phán dạy:” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ). Thánh nhân đã phục vụ hết mình, đã hy sinh hết mình tất cả cho Chúa và vì phần rỗi các linh hồn. Với 47 tuổi đời, Ngài đã nhắm mắt lìa đời vào ngày 03/11/1584 tại Milan trong khi đang hết mình dấn thân phục vụ cho những con người khó nghèo, bệnh hoạn, rách nát. Với những công nghiệp lớn lao và những nhân đức hết sức anh hùng của Ngài. Chúa đã thưởng công cho Ngài. Ðức Thánh Cha Phaolô V đã nâng Ngài lên bậc hiển thánh vào năm 1610.
II. BÀI HỌC
Lịch sử cuộc đời của thánh Carôlô Bôrrômêô tự nó đã là một bài học thật sống động cho mọi người về nhiều phương diện. Tuy nhiên chúng ta cũng có thế thấy một vài nét nổi bật làm nên hào quang.
Nhìn lại cuộc đời của thánh Carôlô Bôrrômêô tôi thích nhất lời nhận xét này: “Bất cứ làm công việc gì, bất hoàn cảnh nào, bất cứ ở địa vị nào, chức vụ nào, thánh nhân cũng luôn làm vì vinh quang Chúa Kitô. Thánh nhân đã phục vụ hết mình, đã hy sinh hết mình tất cả cho Chúa và vì phần rỗi các linh hồn.”
Người ta không thể quên đại họa dịch tả và nạn đói kém xảy ra tại Mi-la-nô vào hai năm 1576 và 1577. Thị trấn Lo-các-nô, một thắng cảnh du lịch ở ngay dưới dãy núi Al-pơ, với dân số 4.800 chỉ còn lại 700. Trước cảnh đau thương ấy, Đức Tổng Giám mục không từ bỏ một sự giúp đỡ nào mỗi khi có thể. Ngài đã bán tất cả đồ đạc trong nhà để lấy tiền cứu trợ. Ngài đã quên ăn quên ngủ để lo thăm viếng và giúp đỡ các bệnh nhân dọn mình chết. Chính vì sự tận tụy hy sinh ấy cùng với nỗi vất vả của việc mục vụ và tông đồ trong suốt hai mươi năm trời, khiến ngài kiệt sức rồi ngã bệnh nặng. Và chiều ngày thứ bảy, mùng 3 tháng 11 năm 1584 ngài đã ra đi thanh thản và bình an.
Chúng ta hãy tập cho mình biết quan tâm đến những người nghèo khổ chung quanh chúng ta. Chúa đã nói từ cả hai ngàn năm nay: “Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em (Mt 26,11). Nếu khả năng chúng ta không cho phép thì ít nhất chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều người biết mở lòng ra với những anh chị em chúng ta đang vất vả tìm về quê hương để tránh dịch cũng như tránh nguy cơ bị chết đói trước hoàn cảnh hiện tại.
Báo Dân trí thuật lại:
“Anh Lê Hoàng Luân (31 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) cho biết, vợ chồng anh lên Bình Dương, một người làm công nhân, một người làm cơ khí nhưng cả 2 đã thất nghiệp 6 tháng nay.
Vợ anh mới sinh con trai nhỏ được 7 ngày nhưng vì điều kiện quá ngặt nghèo, không thể tiếp tục cầm cự ở Bình Dương nên 2 vợ chồng quyết định tự đi xe máy chở nhau về quê.
Đêm 7/10, vợ chồng anh Luân và đứa con đỏ hỏn về đến chân cầu Cần Thơ. Mưa lạnh, kiệt sức, lộ phí hết sạch, quãng đường về đến nhà còn gần 60km trở thành thách thức quá lớn khi càng tối mưa càng tầm tã.
Rất may mắn, anh chị được các nhóm hỗ trợ nhìn thấy, gọi vào chốt, cung cấp đồ ăn nhanh, nước uống và giúp sưởi ấm cho em bé.
“Các anh chị biết hoàn cảnh gia đình em như vậy, người cho 2 triệu, người cho 500 nghìn đồng, sưởi ấm cho con em, rồi đưa ô tô chở vợ con em về đến nhà. Mừng rớt nước mắt, em cảm ơn mọi người nhiều lắm”, anh Luân xúc động nói.
Sau khi ủ ấm cho em bé, những người hỗ trợ đã dùng ô tô chở vợ con anh Luân về quê.
Có số tiền trao tặng, nỗi lo cơm áo cho những ngày trước mắt tạm lắng, gia đình anh Luân đã an tâm cách ly tại nhà.
Sau Tết, hai chị em Phạm Thị Ánh Ngọc (21 tuổi) và Phạm Thị Kim Xuyến (20 tuổi) quê ở huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ qua Tiền Giang làm công nhân nhưng chưa được bao lâu thì dịch đến, thất nghiệp.
Sáng ngày 2/10, hai cô gái khởi hành từ Mỹ Tho về Cần Thơ. Đồ đạc có gì bán được đã bán, cho được đã cho, hành lý còn lại của hai chị em chỉ vỏn vẹn mấy bộ đồ nằm gọn trong chiếc ba lô.
Người lao động ở Cần Thơ được hỗ trợ, tiếp đón khi về quê
Chia sẻ về “chuyến đi định mệnh” của mình, Ánh Ngọc kể, khi ấy, hai chị em chỉ còn đúng một triệu đồng, tiền xét nghiệm đã mất một nửa. Chi tiền xăng, tiền ăn, tiền nước dọc đường từ Tiền Giang về, cuối cùng, khi tới Cần Thơ, cả hai chỉ còn 300 nghìn đồng “lận lưng”.
“Về đến khu cách ly của Cần Thơ, em không ngờ được mọi người chăm sóc chu đáo như thế. Hằng ngày, nhân viên y tế đều đến đo thân nhiệt, lo cơm nước 3 bữa, nước muối, cồn rửa tay… nên dù không còn tiền, em cũng thấy an tâm ở đây” – Ngọc Ánh nói.
Nguồn: tgpsaigon.net