I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
1. Thánh Gioan Brêbeuf Linh Mục-Thánh Isaac Jogues, Linh Mục Và Các Bạn, Tử Đạo.
Thánh GIOAN BRÊBEUF, linh mục, thánh ISAAC JOGUES, linh mục, và các bạn tử đạo
Thánh Isaac Jogues sinh năm 1607 tại thành phố Ôlins, nước Pháp. Thánh nhân gia nhập dòng Tên năm 1624. Là nhà thừa sai dòng Tên, Isaac Jogues tới Quêbéc, nước Canađa. Ở đó, thánh nhân làm việc giữa những người Huron, giải thích cho họ biết về sứ điệp Tin mừng của Đức Chúa Giêsu và rửa tội cho những người xin gia nhập Công giáo. Năm 1642, một số chiến binh thuộc bộ tộc Irôquơ đã bắt giữ ngài cùng với 5 tu sĩ dòng Tên người Pháp và 2 tông đồ giáo dân Pháp khác.
Trong suốt một năm, Thánh Isaac Jogues và các bạn của ngài đã bị tra tấn kinh khủng. Nhưng một người Hà Lan đã giúp Isaac Jogues trốn thoát và ngài đã trở về Pháp. Đến năm 1644, Isaac Jogues lại xin được tới Quêbéc. Đang lúc trên đường đến với những người Irôquơ, sau một hiệp ước hòa bình ngài đã ký với bộ tộc ấy, Isaac Jogues đã bị những người Mahawk bắt giữ và giết chết.
Thánh Gioan Brebeuf trở thành tu sĩ dòng Tên sau một cơn lao phổi dữ dội. Ngài và thánh Gabriel Lallơmông là những thành viên thuộc nhóm các tu sĩ dòng Tên can đảm bị những người Irôquơ bắt giữ và giết chết. Cha Antôn Đanien vừa mới cử hành xong thánh lễ cho những tân tòng thuộc làng Huron thì những người Irôquơ tới tấn công ngôi làng. Những người tín hữu Anhđiêng năn nỉ cha bỏ trốn, nhưng cha Đanien đã ở lại để rửa tội cho tất cả những người đang khóc lóc xin cha ban bí tích Thanh tẩy cho họ trước khi tất cả đều bị giết. Những người Irôquơ đã thiêu sống cha trong nguyện đường nhỏ bé của ngài. Thánh Carôlô Garniê, tuy bị bắn bởi phát súng hỏa mai Irôquơ trong một vụ tấn công đột xuất, vẫn cố gắng bò tới giúp một người bạn đang hấp hối. Sau đó, ngài bị chém chết bởi một nhát rìu. Cha Nôel Cabanel cảm thấy cuộc sống truyền giáo tại Tân Thế Giới thật khó khăn, nhưng cha đã thề nguyền sẽ ở lại Bắc Mỹ. Cha bị một kẻ phản bội thuộc bộ tộc Huron giết hại. Hai vị tông đồ giáo dân, Rênê Gupin và Gioan Laland, đều bị giết bởi những nhát rìu của người da đỏ. Tất cả các vị anh hùng của Chúa Kitô này đã can đảm hiến dâng mạng sống mình vì những người dân bản địa vùng Bắc Mỹ. Người ta thường gọi các ngài là các thánh tử đạo tại Bắc Mỹ. Các ngài được Đức Thánh Cha Piô XI tôn phong lên bậc Hiển thánh năm 1931.
2. Thánh Phaolô Thánh Giá Linh Mục.
Thánh Phaolô sinh tại Uvada, miền Ligurie nước Ý ngày 03-01-1694. Ngay từ thời niên thiếu, ngài đã đặc biệt sùng kính Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Ngài cũng tha thiết ước mong được chịu tử đạo nên đã gia nhập đoàn quân viễn chinh ở Venise để chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng sau khi nhận ra ý Chúa, ngài đã giã từ vũ khí và xin vào dòng tu. Ngài được phong chức linh mục do tay Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XIII.
Sau đó, ngài sống cuộc đời ẩn dật tại núi Argentarô và lập dòng Thương Khó năm 1720. Lời hứa đặc biệt của dòng là chuyên lo giảng dạy cho mọi người về sự khổ nạn của Chúa Giêsu. Ngài còn lập một dòng nữ chuyên lo cầu nguyện và sống cuộc đời Thương Khó Chúa.
Thánh nhân được Chúa cho làm nhiều phép lạ như nói tiên tri, thấu suốt được tâm hồn nhiều người. Hơn nữa, ngài có tài giảng thuyết, nhất là khi giảng về những đau khổ của Chúa.
Năm 1775, ngài từ trần tại Rôma, hưởng thọ 81 tuổi.
Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã phong ngài lên bậc Chân Phước và ít lâu sau, phong thánh cho ngài năm 1867.
II. BÀI HỌC VỀ LÒNG TRUNG THÀNH
Giáo Hội của Chúa Kitô ở trần gian luôn được điểm tô bằng muôn vàn vị thánh. Hào quang của các vị thánh tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời Hội Thánh. Các thánh gồm đủ thành phần, tất cả đều góp phần làm đẹp Giáo Hội. Các tử đạo mà Giáo Hội cho chúng ta mừng kính hôm nay là những người đã can trường làm chứng, lấy máu đào của mình minh chứng rằng Chúa Kitô hôm qua, hôm nay, ngày mai vẫn là một Chúa đã tới trần gian, chết, gánh tội cho mọi người và đã sống lại khải hoàn.
Tất cả các ngài đã để lại cho thế hệ mai sau một tấm gương sáng chói đó là lòng TRUNG THÀNH với niềm tin cho dù có phải đem cả mảng sống ra để đánh đổi.
Xin Chúa cho tất cả chúng ta biết sống trung thành với niềm tin của mình để chúng ta xứng đáng được lãnh phần thưởng Chúa dành cho chúng ta trên cõi vĩnh hằng,
Thánh Tôma More sinh tại Luân Đôn ngày 6 tháng 2 năm 1478. Tôma More đã viết cuốn Utopia, nói về một hòn đảo hạnh phúc, đầy tưởng tượng. Ngài cũng viết cuốn “Dialogue concerning Heresies” (Đối thoại với lạc giáo) Danh tiếng ngài đã gây được sự chú ý của vua Henry VIII. Nhà vua vời ngài vào triều để giữ chức chưởng ấn. Ngài được phong làm hiệp sĩ năm 1523. Nhưng tới năm 1527, nhà vua muốn ly dị hoàng hậu Catarina và cưới Anna Belyn. Tôma More phản đối nhà vua, cho đó là một hành vi trái luật đạo. Tôma More bị thải hồi. Bá tước Norfolk thấy ngài bị nguy hiểm, có thể bị án tử hình, nên khuyên ngài dè giữ, thì ngài đã trả lời:
– Thưa ngài có thế thôi sao, thực sự nếu tôi bị tử hình thì có điều này khác biệt giữa tôi và ngài là: hôm nay tôi chết, còn ngày mai ngài chết.
Ngày 12 tháng 4 năm 1534 Tôma More được mời đến tuyên thệ nhận Anna Belyn là hoàng hậu, và phải tuyên thệ vâng phục quyền bính nhà vua chứ không vâng phục tòa thánh. Ngài từ khước.
Ngày 17 tháng 4 năm 1534, ngài bị tống giam, và 14 tháng bị giam trong tù, ngài đã sống như một tu sĩ: suy gẫm và âm thầm cầu nguyện.
Trước toà, ngài nói:
– Như người con không thể không vâng phục cha mình, thì vương quốc Anh không thể không vâng phục Tòa Thánh.
Khi nghe bị tuyên án tử hình, ngài nói:
– Tuy thánh Phaolô đồng loã trong việc kết án tử hình thánh Stêphanô, nhưng rồi lại được hiệp nhất với thánh Stêphanô trong cuộc sống vĩnh cửu; thì tôi cầu nguyện tha thiết cho các lãnh chúa đã lên án tôi, cũng sẽ cùng tôi, sau này được hiệp nhất trên nước trời. Tôi cũng cầu xin Chúa toàn năng bảo vệ Đức vua, và xin gửi tới Đức vua những lời khuyên tốt đẹp.
Tôma More bình thản đi tới pháp trường. Khi bước lên đoạn đầu đài, ngài còn nói khôi hài:
– Lúc xuống, chỉ mình tôi là có lợi.
Ngài ôm người đao phủ và bảo hắn:
– Hãy can đảm lên, đừng sợ, nhưng cổ tôi hơi ngắn, hãy cẩn thận vì danh dự của anh đó.
Ngài tự bịt mắt, nằm trên đoạn đầu đài, vén râu lên, ngài nói:
– Bộ râu này nó không phạm tội phản bội.
Tôma More đã bị tử hình ngày 6 tháng 7 năm 1535 với lòng yêu nước thiết tha, và lòng trung thành vâng phục Giáo Hội.
Nguồn: tgpsaigon.net