Trong Kinh Tin Kính của các Thánh Tông Đồ, mà các điểm cốt lõi đã có từ thế kỷ thứ nhất, Giáo Hội tuyên xưng niềm tin của mình vào Con Thiên Chúa, sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh. Vì là Mẹ Con duy nhất của Thiên Chúa, nên ngài là Mẹ của chính Thiên Chúa, vì Ngôi Hai Thiên Chúa Ba Ngôi chính là Thiên Chúa thật, cùng muôn thuở đời đời với Đức Chúa Cha, và cùng một bản thể với Đức Chúa Cha. Cho nên không lạ gì khi Kinh Tin Kính của các Thánh Tông Đồ tuyên xưng chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, vì mạc khải trước nhất về Đức Mẹ, tức mạc khải Ngài là Mẹ Đấng Được Xức Dầu, cũng đã khẳng định Mẹ là Mẹ Thiên Chúa rồi.
Tiên tri Isaia tiên báo rằng một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con Trai, và tên của Người sẽ làEmmanuel. Xét theo chiểu tự, chữ này cũng đọc là Immanuel, nghĩa Hy Bá Lai là “Thiên Chúa ở cùng chúng tôi”. Lời giải thích này chính Thánh Mátthêu đã đưa ra, khi ngài mô tả sứ điệp thiên thần nói với Thánh Giuse: đừng sợ nhận Maria làm vợ hợp pháp của mình, sau khi bà thấy mình có thai (Mt 1:23).
Phúc Âm Luca cũng minh nhiên không kém. Khi Đức Mẹ hỏi làm thế nào Ngài có thể trở thành Mẹ Đấng Được Xức Dầu, thì thiên thần cho ngài hay: “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ bao phủ bà. Và do đó, Đấng Thánh từ bà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1:35). Điều người học trò của ngài viết đã được chính Thánh Phaolô nhắc lại. Thực vậy, Thánh Phaolô nói với tín hữu Galát rằng: “Thiên Chúa sai Con một mình, sinh bởi một người đàn bà” (Gl 4:4).
Đàng khác, khi Đức Mẹ đi viếng người chị em họ, những lời đầu tiên của bà Êlisabét là những lời thán phục. Con trẻ Gioan hân hoan nhẩy mừng trong bụng mẹ khiến Êlisabét thốt lên: “Làm sao tôi xứng đáng được mẹ Chúa tôi viếng thăm?” (Lc1:42).
Các giáo phụ tiên khởi nhất trí tôn kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Ai có thể sửa cho hay hơn được lời tuyên bố của Thánh Inhaxiô thành Antôkia khi ngài viết thư gửi tín hữu Êphêsô trong lúc đang trên đường chịu tử đạo ở Rôma? Ngài viết: “Thiên Chúa chúng ta, Chúa Giêsu Kitô, được Đức Maria cưu mang trong lòng”. Theo Thánh Inhaxiô, quả thật Chúa Kitô “bởi dòng giống Đavít, nhưng do quyền lực Chúa Thánh Thần” (Gửi Tín Hữu Êphêsô, số 53).
Không lạ gì, đến thế kỷ thứ ba, các giáo phụ Hy Lạp đã nghĩ ra danh hiệu Theotokos (Theos = Thiên Chúa, và tokos = mẹ) để mô tả Mẹ Chúa Giêsu. Và ngay cuối thế kỷ thứ tư, Thánh Grêgôriô Nazianzô đã mạnh dạn tuyên bố rằng “Ai không nhìn nhận Thánh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa, người ấy xa lìa Thiên Chúa” (Thư 101, 4).
Tuy nhiên, trong khi ấy, đã xuất hiện nhiều lạc giáo, tất cả đều nghi ngờ thần tính của Chúa Giêsu. Cerinthus và phái Ebionite thuộc các thế kỷ thứ nhất và thứ hai, phái nhất ngôi nhất thể (monarchism) trong các thế kỷ thứ hai và thứ ba, phái Ariô, phái Makêđôniô, và phái Apôlinariô trong thế kỷ thứ bốn, vì các khía cạnh và lý do khác nhau, đã bác bỏ chân lý Chúa Giêsu thành Nadarét là Thiên Chúa thật đã sinh ra làm người.
Các lạc giáo ấy chuẩn bị sân khấu cho lạc giáo Nestôriô, giám mục và là thượng phụ Constantinople. Nestôriô trước đó vốn là một đan sĩ tại đan việc Antiôkia. Ông cũng là một nhà giảng thuyết danh tiếng đến độ hoàng đế phải ra lệnh để ông điền khuyết tòa trống ngôi tại Constantinople.
Sau khi lên làm giám mục không lâu, Nestôriô bất đồng ý kiến ngay với giáo dân của mình vì đã ủng hộ tuyên úy của mình chống lại việc sử dụng danh hiệu Theotokos để chỉ Đức Nữ Trinh Diễm Phúc Maria. Giáo dân trong giáo phận của ông tỏ ý bất mãn nên chẳng bao lâu chủ trương của ông bị phẫn nộ và chống đối khắp vùng Trung Đông. Các tín hữu giáo dân trong vùng khiếu nại lên các giám mục liên hệ của họ, lúc đó đang được Thánh Xirilô thành Alexandria lãnh đạo. Cuối cùng, cả Nestôriô lẫn các địch thủ khiếu nại lên Rôma. Ngày 7 tháng Mười Hai năm 430, Đức Thánh Giáo Hoàng Xêlestinô lên án giáo huấn của Nestôriô là lạc giáo và truyền cho Thánh Xirilô công bố án quyết truất phế Nestôriô, nếu ông ta không chịu tùng phục. Vốn có cảm tình với Nestôriô, nên không lạ gì hoàng đế đã triệu tập một công đồng chung để giải vạ cho vị thượng vụ này. Nhưng thay vì giải vạ, Công Đồng Êphêsô ngày 22 tháng Sáu năm 431 đã tái xác nhận việc lên án Nestôriô, khiến hoàng đế buộc phải theo quyết định của công đồng.
Định nghĩa của Êphêsô vỏn vẹn chỉ có một câu ở thể phủ định: “Ai không tin Đấng Emmanuel (Chúa Kitô) thực sự là Thiên Chúa, và do đó, Đức Maria Thánh Thiện là Theotokos (Mẹ Thiên Chúa), vì về phương diện thể xác chính Ngài đã hạ sinh Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, người ấy phải chịu vạ tuyệt thông”.
Công đồng Êphêsô đặt căn bản giáo huấn của mình trên hai tiền đề sau đây của đức tin Công Giáo:
Đức Maria là mẹ thật. Ngài đóng góp mọi sự cần thiết để hình thành ra bản tính nhân loại nơi Chúa Kitô, mà mọi người mẹ khác vốn đóng góp để hình thành ra đứa con do họ hạ sinh. Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có ai lại nghĩ Đức Maria là mẹ sinh ra bản tính Thiên Chúa của Chúa Kitô. Là Thiên Chúa, từ thuở đời đời, Chúa Kitô đã đ ược Đức Chúa Cha sinh ra. Không giống các thần minh ngoại giáo, Thiên Chúa chân thực duy nhất không có nữ thần mẹ nào sinh ra Người cả.
Do đó, Đức Mẹ quả là Mẹ Thiên Chúa thật. Tại sao? Vì Đức Mẹ cưu mang Ngôi Hai Thiên Chúa Ba Ngôi; dĩ nhiên không phải theo Bản Tính Thiên Chúa mà là theo bản tính nhân loại, một bản tính mà Con Thiên Chúa tự ý mang lấy ngõ hầu có thể dâng mình trên Thánh Giá để cứu chuộc ta.
Lịch sử Chức Làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria
Một trong những sự kiện ít được biết đến về Công đồng Êphêsô là không phải mọi giám mục đều chấp nhận việc định nghĩa của Công đồng này. Không ít các giám mục, nhất là ở Đông Phương, đã về phe với Nestôriô và do đó đã khước từ hợp nhất với Rôma và Giáo Hội Công Giáo.
Thế là hạt giống chia rẽ được gieo vãi nơi các Kitô hữu, mà hoa trái sẽ thấy rõ trong các thế kỷ về sau. Hoa trái đắng đót không hẳn nhỏ chính là việc phát triển của Hồi Giáo vào hai trăm năm sau, khi Mohammad công bố tôn giáo mới vào năm 622 CN.
Không phải là một trùng hợp, nhưng rõ ràng là một trong những nghịch lý bi thảm nhất của lịch sử, vì khi Mohammad xuất hiện trong tư cách một tiên tri, thì hình thức Kitô giáo trổi vượt được ông ta tiếp xúc chính là phái Nestôriô. Cho nên không lạ gì khi cho viết ra Kinh Kôrăng, dù rất kính trọng Miriam, mẹ Đức Isa (Giêsu), Mohammad chỉ nhìn nhận ngài là mẹ một phàm nhân; theo ông, Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa. Mohammad định nghĩa Kitô hữu là người lầm lẫn cho rằng Đức Giêsu không phải chỉ là Ibn Miriam, con trai bà Maria, mà thực ra là Ibn Allah, Con Thiên Chúa.
Với hơn một tỉ người Hồi Giáo trên khắp thế giới ngày nay, người ta hẳn phải đặt nhiều chữ “nếu” cho lịch sử để mà suy đoán chuyện gì sẽ xẩy ra nếu mọi giám mục tại Êphêsô đều nhất loạt duy trì lòng trung thành với gia tài tông truyền của mình, và chấp nhận Đức Maria không phải chỉ là Mẹ Đức Giêsu (như Mohammad), mà còn là Mẹ Đấng Tạo Ra Mình, Đấng đã tiếp nhận bản tính nhân loại từ Đức Maria, nhờ thế mà cứu chuộc được thiên hạ.
Ta gần như có thể nói được rằng Công Đồng Êphêsô là một khúc phân rẽ các môn đệ của Chúa Kitô. Một lần nữa, cũng không phải là trùng hợp, và lần này có ý nghĩa hơn nhiều, trong 1,500 năm qua, những người thừa nhận Đức Maria là Mẹ thật của Thiên Chúa duy nhất chân thật cũng là những người có lòng tin bền đỗ vào Chúa Giêsu Kitô, bất chấp các giông bão lớn lao do các giáo huấn sai lầm về con người Chúa Kitô đem lại.
Ta cần hiểu rõ điều Giáo Hội dạy khi Giáo Hội tuyên bố rằng Đức Maria Vô Nhiễm chính là Mẹ Thiên Chúa. Giáo Hội muốn dạy rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, vì Con của ngài là Thiên Chúa ngay từ giây phút đầu tiên làm người trong lòng Đức Maria. Một lần nữa, vì Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, nên bất cứ bóng dáng hoài nghi nào về chức Làm Mẹ Thiên Chúa của Ngài cũng trở thành một hoài nghi đối với Thần Tính của Con Ngài. Cho nên, trên thực tế, một dấu chỉ tính chính thống Công Giáo chính là mức độ sùng kình ta dành cho Đức Nữ Trinh Diễm Phúc Maria.
Hệ luận
Ta cần nhấn mạnh một lần nữa rằng để đáng được tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria không cần phải ban cho Con mình bản tính Thiên Chúa, giống như các bà mẹ khác đâu cần phải ban cho con mình cả hồn lẫn xác đâu. Vì linh hồn luôn được Chúa tạo nên nơi mỗi con người. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Ngài là Mẹ Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà trong Ngôi Vị Thiên Chúa duy nhất, bản tính nhân loại và bản tính Thiên Chúa hợp nhất với nhau một cách không thể nào phân cách được.
Nhưng Đức Maria có nhiều căn cứ để coi mình là Mẹ của Con mình hơn bất cứ người mẹ nào khác. Tại sao? Vì theo lẽ tự nhiên, các người mẹ khác phải chia sẻ quyền làm cha mẹ với chồng mình, trong khi Đức Maria hạ sinh Con mình mà không cần tới sự cộng tác của phàm nhân.
Nhìn nhận Chức Làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, ta sẽ không lấy làm lạ là Giáo Hội đã không còn tìm đâu ra đủ ngữ vựng trong ngôn ngữ loài người để mô tả địa vị cao cả này. Một cô gái nghèo hèn, yếu đuối lại trở nên Mẹ của Thiên Chúa vô biên, toàn năng và vĩnh cửu. Một con gái vô danh của Ađam lại trở thành hình ảnh thụ tạo hoàn hảo nhất của Chúa Cha, Mẹ Chúa Con, và hiền thê của Chúa Thánh Thần, nữ tỳ của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Ta hãy vắn tắt trích dẫn bốn vị thánh qua các lời tuyên bố bề ngoài xem ra quá trớn nhưng thực chất không quá trớn chút nào về địa vị trên của Đức Mẹ.
Thánh Eusebius nói rằng để hiểu sự cao cả trong địa vị Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, ta phải hiểu được sự cao cả của Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô.
Thánh Thomas Aquinas nói rằng địa vị làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria cao cả đến nỗi Ngài dự phần vào cõi vô biên, một cái gì đó của chính Thiên Chúa.
Thánh Bernard gọi Ngài là phép lạ của mọi phép lạ, kỳ công của Thiên Chúa toàn năng.
Thánh Bonaventure nói rằng Thiên Chúa có thể tạo ra một thế giới đẹp đẽ hơn, vĩ đại hơn, kỳ diệu hơn là thế giới Người đã dựng nên. Song Người không thể tạo ra một người mẹ cao cả hơn Mẹ Thiên Chúa.
Mừng Kính Trọng Thể Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Sau Công Đồng Vatican II, khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI lấy ngày 1 tháng Giêng hàng năm làm ngày lễ trọng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, ngài trình bầy các lý do của việc thay đổi đáng kể này. Ta biết trong nhiều thế kỷ, ngày 1 tháng Giêng từng là ngày lễ Chúa Giêsu chịu cắt bì, như Phúc Âm Thánh Luca tường thuật. “Và cuối ngày thứ tám, lúc cắt bì, Người được đặt tên là Giêsu, tên thiên thần vốn tặng cho Người trước khi Người được tượng thai trong lòng mẹ” (Lc 2:21). Một lý do khiến ngày 1 tháng Giêng trở thành ngày lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa là: theo nguồn gốc, Giáo Hội vốn cử hành Tuần Bát Nhật Giáng Sinh vào ngày này, và chỉ sau đó nó mới biến thành lễ Chúa Giêsu chịu Cắt Bì. Sau đây là lời giải thích của Đức Giáo Hoàng về việc thay đổi tước hiệu ngày lễ mồng 1 tháng Giêng.
Trong việc sửa đổi, sắp xếp lại mùa Giáng Sinh, ta nên đồng tâm hướng về ngày lễ trọng vừa được tái lập mừng kính Mẹ Thiên Chúa. Lễ này được đưa vào ngày đầu hết của tháng Giêng trong lịch phụng vụ của thành Rôma. Mục đích việc cử hành này là để tôn kính vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu chuộc và đồng thời ca khen địa vị có một không hai của “Mẹ Thánh… qua Ngài chúng ta nhận được ơn phúc Tác Giả sự sống”. Lễ trọng này cũng cho ta cơ hội tuyệt vời để đổi mới lòng thờ kính cần phải bầy tỏ với Hoàng Tử Hòa Bình vừa mới sinh ra, khi một lần nữa, ta lại được nghe tin mừng hân hoan lớn lao và đầy cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa, qua sự bầu cử của Nữ Vương Hoà Bình, để được ơn bình an vô giá. Vì những xem sét ấy và vì sự kiện tuần bát nhật Giáng Sinh trùng với một ngày đầy hy vọng, tức Ngày Đầu Năm, Ta đã chỉ định ngày này làm ngày Hòa Bình Thế Giới (Phaolô VI, Marialis Cultus, tháng 2 năm 1974, số 5).
Thành ra, Ngày Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa thực ra là ba lễ Đức Mẹ dồn một:
Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa,
Lễ Đức Mẹ là mẹ ơn thánh Chúa, và
Lễ Đức Mẹ là Nữ Vương Bình An.
Mấy lời giải thích về mỗi vai trò trên sẽ giúp ta hiểu rõ ý nghĩa chức Làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Mẹ.
Mẹ Thiên Chúa. Hình thức cầu nguyện cao nhất ta có thể dâng lên Đức Mẹ là lời tôn kính. Qua lời tôn kính này, ta ca ngợi và vinh danh Đức Mẹ, ta tỏ lòng kính trọng và tôn kính đối với Ngài, ta nhìn nhận sự cao cả và tán dương phẩm vị cao qúy của Ngài.
Nhưng không có một tước hiệu nào cao hơn mà ta có thể dùng để tôn kính Đức Maria bằng xưng tụng Ngài là Mẹ Thiên Chúa. Mọi dấu chỉ tôn kính khác đều phụ thuộc vào tước hiệu này, vì mọi hình thức ưu tú khác nơi Đức Maria đều phát xuất từ sự kiện: dù là tạo vật của Thiên Chúa, nhờ các dự tính mầu nhiệm của Chúa, Ngài đã trở nên Mẹ Đấng Hóa Công.
Mẹ Ơn Thánh Chúa. Ta đã quá quen đề cập đến việc Đức Mẹ là Mẹ ơn thánh Chúa đến độ không còn hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của nó nữa. Thực ra điều ấy có nghĩa gì? Nó muốn nói: Trừ Đức Mẹ ra, ta chẳng đáng tiếp nhận Chúa Kitô. Ngài là Tác Giả sự sống thiêng liêng của ta, nói cách khác, là Nguồn mọi ơn thánh mà nếu không có nó, không một ai trong chúng ta có thể hy vọng được lên thiên đàng. Thuật ngữ ấy có nghĩa là: Đức Maria sinh dưỡng Đấng vốn là Tác Giả mọi ơn thánh, không phải chỉ theo nghĩa thể lý qua việc thụ thai và hạ sinh Người, mà còn theo nghĩa thiêng liêng qua việc chăm sóc Người lúc còn sống trên thế gian, và theo nghĩa huyền nhiệm nữa sau khi Người về trời bằng cách chăm sóc Giáo Hội non nớt của Người.
Dù sao, vẫn có hai hình thức sống mà ai trong chúng ta cũng có: sự sống tự nhiên ta tiếp nhận được lúc mẹ ta tượng thai và sinh hạ ra ta, và sự sống siêu nhiên ta tiếp nhận được lúc chịu Phép Rửa, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã được Đức Maria hạ sinh nơi trần gian.
Nữ Vương Bình An. Sáng Ngày Giáng Sinh, các thiên thần hát rằng: “Sáng danh Chúa Cả trên trời, và bình an dưới thế cho người lòng ngay” (Lc 2:14). Phần các mục tử, họ kể lại cho Đức Mẹ các điều họ nghe các thiên thần nói, và nhờ thế, Đức Mẹ hiểu rõ Con Trai mình chính là Đấng được tên gọi Giêsu hàm nghĩa, tức Hoàng Tử Hoà Bình.
Tại sao lại là Hoàng Tử Hòa Bình? Vì trong tư cách Cứu Chúa của nhân loại tội lỗi, Người đã lập lại nền hòa bình giữa Thiên Chúa bị xúc phạm và loài người phạm thượng. Vì, ngay về phương diện tự nhiên, con người cũng đã thù nghịch lẫn nhau vì tính vị kỷ của mình, nên nhờ ơn thánh của Chúa Kitô, họ đã vượt trên lòng vị kỷ kia mà sống bình an với nhau.
Nhưng nếu Chúa Kitô là Hoàng Tử, nghĩa là Nguồn Suối của bình an, thì Đức Maria, Mẹ của Người, là Nữ Vương Bình An? Sao lại như thế được? Vì Ngài đã ban cho ta Đấng mà nếu không có Người, ta sẽ không có bình an: (a) giữa Thiên Chúa và con người nhờ ơn tha tội; (b) trong chính con người vì ý chí họ nay đã được kết hợp với ý Chúa; và (c) giữa con người với nhau, vì họ thực hành được đức công bằng và bác ái vô vị lợi.
Đó cũng là điều Giacaria, thân phụ Gioan Tẩy Giả, đã tiên đoán vào ngày con ông sinh ra. Trong KinhBenedictus, ông nói tiên tri rằng sẽ đến ngày, Con Trai Đức Maria sẽ “dẫn ta bước vào nẻo bình an” (Lc 1:79).
Ngày nay, như 20 thế kỷ lịch sử đã dạy, sẽ không thể có bình an thực sự trên trái đất hay trong lòng người nếu không có niềm tin và niềm trông cậy vào Người Con của Đức Maria. Và cũng như Simeon từng nói với Đức Mẹ, ta cũng hy vọng có ngày được thưa với Chúa trước lúc lìa đời rằng: “Lạy Chúa, giờ đây xin để tôi tớ Chúa ra đi bình an…vì mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Ngài” (Lc 2:29-30).
Theo Cha John A. Hardon, S.J. Vietcatholic news
Vũ Văn An