I. ĐÔI HÀNG TIỂU SỬ.
Thánh Đamasô I sinh tại thành Rôma vào thế kỷ thứ 4. Thánh nhân là một linh mục quảng đại và hy sinh. Khi đức thánh cha Libêriô qua đời năm 366, Đamasô được bầu lên kế vị. Ngài đã phải đối diện với nhiều khó khăn nghiêm trọng. Lúc ấy có một ngụy giáo hoàng tên là Ursinô. Ông và những người theo ông đã bách hại thánh Đamasô. Họ vu oan cho Đamasô, kết tội ngài về đời sống luân lý. Đức giáo hoàng Đamasô đã phải chịu xét xử trước những nhà cầm quyền Rôma. Sau đó, Đamasô được chứng nhận là vô tội, nhưng ngài đã phải chịu rất nhiều đau khổ qua cuộc xử án này. Người bạn nổi danh của Đamasô, thánh Giêrônimô, đã nói nhiều về nhân đức của vị giáo hoàng này.
Đức thánh cha Đamasô I nhận thấy rằng giới giáo sĩ trong thành Rôma đang sống một lối sống quá giàu có. Các giáo sĩ phục vụ tại thôn quê thì sống giản dị hơn. Đamasô đã xin các linh mục đơn giản hóa lối sống của mình và đừng thu tích của cải cũng như tiền bạc. Về điểm này, chính thánh nhân đã nêu gương sáng thật tuyệt vời.
Cũng có nhiều học thuyết sai lầm xuất hiện trong thời Đamasô I làm giáo hoàng. Thánh nhân đã cắt nghĩa cho dân chúng hiểu về đức tin chính truyền. Ngài cũng triệu tập Công đồng chung thứ 2, tổ chức tại Constantinôp. Giáo hoàng Đamasô, một học giả về Kinh Thánh, đã hết sức khuyến khích dân chúng đọc Kinh Thánh. Chính vị giáo hoàng này đã cho xuất bản qui điển Kinh Thánh, còn gọi là danh sách chính thức gồm các sách Kinh Thánh. Ngài chỉ định cho thánh Giêrônimô dịch bộ Kinh Thánh sang tiếng Latinh và khuyến khích thánh nhân viết các lời bình, giải thích các phân đoạn của Kinh Thánh. Đức thánh cha cũng thay đổi ngôn ngữ chính thức của phụng vụ từ tiếng Hy Lạp – trừ kinh Thương Xót – sang tiếng Latinh.
Đức thánh cha Đamasô I qua đời vào khoảng 80 tuổi, nhằm ngày 11 tháng Mười Hai năm 384. Thánh nhân được chôn cất chung phần mộ với thân mẫu và em gái ngài trong nguyện đường nhỏ mà ngài đã xây cất.
Thánh giáo hoàng Đamasô I đã có thể làm được nhiều việc vĩ đại cho Giáo hội vì thánh nhân có một niềm tin và tình yêu lớn lao. Ngài nuôi dưỡng niềm tin và tình yêu này bằng cách đọc sách, nghiên cứu và suy niệm Kinh Thánh. Chúng ta hãy noi gương vị giáo hoàng thánh thiện này và tạo một giải pháp là dành ra mỗi ngày ít phút để đọc Kinh Thánh.(tinmung.net)
II. BÀI HỌC: LÒNG YÊU MẾN THÁNH KINH
1. Vai trò của Thánh kinh trong đời sống của người tin theo Chúa.
Hiến chế về mạc khải của Công Đồng Vaticanô II quả quyết: “Kinh Thánh ở giữa lòng Giáo Hội. Kinh Thánh chứa đựng lời của Thiên Chúa, có sức làm khơi dậy đức tin và mời gọi Giáo Hội. Đến lượt đức tin của Giáo Hội đón nhận Lời Chúa, làm cho nó vang vọng và bền vững trong thời gian, bảo tồn lời Chúa cách cẩn thận và trung tín. Giáo Hội giải thích lời Chúa với uy quyền qua các thừa tác vụ mà Chúa Giêsu đã thiết lập và Chúa Thánh Thần làm cho lời Chúa sinh động qua các ân huệ của Ngài. Truyền thống Giáo Hội là lãnh vực thực hành mà trong đó Kinh Thánh nhận lấy hình thức thể hiện cách cụ thể. Trong truyền thống này, Kinh Thánh tìm thấy những đặc tính làm cho nó khác biệt hẳn với những tác phẩm không được linh hứng và gặp được những kỷ niệm về những chứng từ sống động của các tông đồ, đây là nguồn gốc của quyền bính giải thích và hướng dẫn cho việc thực hành trong đời sống. Vì thế việc học hỏi Kinh Thánh, vừa mời gọi nỗ lực của cá nhân, vừa đòi hỏi phải chân thành hoà hợp với đức tin của toàn thể Giáo Hội. Để trung thành với đức tin phải lắng nghe sự hướng dẫn của Huấn Quyền của Giáo Hội. Trong thực tế: “Nhiệm vụ giải thích đích thực Lời Chúa đã được viết ra hay lưu truyền sống động chỉ được uỷ thác cho Quyền Giáo Huấn của Hội Thánh và Hội Thánh thi hành quyền đó nhân danh Chúa Giêsu Kitô (Hiến chế tín lý về Mặc Khải số 10).
Đối với điều này, chúng ta phải thêm vào một lời mời gọi qui hướng về khả năng, đoàn sủng và trực giác của toàn thể dân Chúa: “Các sự việc và lời nói truyền lại được hiểu biết thấu đáo hơn, nhờ sự chiêm ngắm và học hỏi của các tín hữu, những người đã ghi nhận các điều đó trong lòng, nhờ sự thông hiểu những điều thiêng liêng họ cảm nghiệm được, hoặc nhờ việc giảng dạy của những người lãnh nhận một đoàn sủng chắc chắn về chân lý, do việc kế vị trong chức giám mục” (Hiến chế tín lý về Mặc Khải số 8).
2. Hãy Chăm Chỉ Đọc Và Suy Gẫm Lời Chúa,
Tokichi lshi-1, một tên giết người không gớm tay, đã đạt được kỷ lục hạ sát nhiều nạn nhân nhất bằng những phương thế dã man không thể tưởng tượng nổi.
Hắn ta tàn nhẫn hạ sát đàn ông, phụ nữ, kể cả trẻ em Với bàn tay khát máu, hắn đã thủ tiêu bất cứ người nào tình cờ hắn gặp và muốn giết. Nhưng cuối cùng hắn cũng bị bắt và bị kết án tử hình.
Lúc ở nhà tù chờ ngày hành quyết, hai phụ nữ công tác tông đồ thử khuyên nhủ hắn, nhưng tất cả những câu hỏi han trò chuyện của họ cũng không làm cho hắn mảy may động tâm, trái lại hắn nhìn thẳng vào họ với một cặp mắt dữ tợn như một hung thú.
Cuối cùng, mất hết kiên nhẫn, hai phụ nữ ra về. Họ chỉ để lại cho hắn quyển Tân Ước, với một hy vọng mỏng manh là hắn ta sẽ đọc và Lời Chúa sẽ hoạt động nơi tiếng nói con người trở nên hoàn toàn bất lực. Niềm hy vọng của họ đã trở thành sự thật. Ishi-I đã đọc và những câu chuyện trong Tân Ước hình như có một sự thu hút mãnh liệt khiến hắn cứ tiếp tục đọc, đọc mãi và cuối cùng hắn đọc đến câu chuyện diễn tả cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Câu Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trên thập giá: “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”, đã thắng sự chống trả cuối cùng trong tâm hồn của hắn. Sau đó anh thuật lại: “Đọc đên câu này tôi mới dừng lại. Con tim tôi hình như bị đánh động, bị đâm thâu bằng một con dao dài. Tôi có thể gọi đó là tình yêu của ông Giêsu hay tôi phải gọi đó là lòng thương xót của Ngài? Tôi không biết, nhưng điều duy nhất tôi biết là sự hung dữ, tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin”.
Ồng Chrgvvin, tác giả đã viết câu chuyện trên trong quyển sách mang tựa đề “Thánh Kinh trong thế giới truyền giáo” đã kết thúc câu chuyện bằng sự ngạc nhiên tột độ của những nhân viên nhà giam có phận sự đến dẫn độ lshi-1 đi hành quyết. Họ đã không gặp được tên sát nhân hung bạo như họ chờ đợi, nhưng là một con người hòa nhã, lễ độ. Ishi-1, tên sát nhân đã được Lời Chúa tái sinh.
Lời Chúa có sức mạnh vạn năng. Lời Chúa có thể biến đổi tâm hồn một tên sát nhân giết người không gớm tay như anh Tokichi lshi-1 và bao tâm hồn sa ngã khác. Lời Chúa có the là động lực cho bao công tác bác ái của các tu sĩ nam nữ, đang dấn thân phục vụ những trẻ con bị bỏ rơi, những người già nua hấp hối không ai chăm sóc, những kẻ phải sống bên lề xã hội.
Nguồn: tgpsaigon.net