M. Lasan Châu Sơn
Bản chất của Hội Thánh là truyền giáo. Hội Thánh chỉ thực sự sống động khi mỗi thành viên sống tinh thần truyền giáo. Mỗi kitô hữu là một nhà truyền giáo theo huấn dụ của Thầy Chí Thánh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)
Thánh Phanxicô Xaviê đã sống trọn tinh thần truyền giáo đó. Chính nhờ điều này mà ngài đã hoàn thiện bản thân, mưu ích cho tha nhân và làm vinh danh Chúa trong suốt đời. Thánh nhân sinh năm 1506 tại lâu đài Xaviê trong một gia đình quyền quý thuộc miền Bắc nước Tây Ban Nha ngày nay. Phụ thân ngài là thẩm phán của nhà vua; anh em ngài hầu hết theo đuổi nghiệp binh đao. Riêng Phanxicô, muốn tiến thân bằng con đường trí thức. Vì thế, năm 1525, khi được 17 tuổi, ngài đến Paris để theo đuổi việc học.
Tám năm sau (năm 1536), ngài tốt nghiệp loại ưu và được bổ nhiệm làm giáo sư dạy triết học. Thời gian sống tại Paris, ngài may mắn được thân cận với Ignatio – người trước kia đã từng chạy theo danh vọng trần tục. Được ơn Chúa hoán cải, Ignatio có ý định lập một hội dòng để đi rao giảng Tin Mừng. Ngài ngỏ ý muốn Phanxicô cùng cộng tác. Nhưng Phanxicô chẳng màng, mà lại còn chế diễu Ignatio là thầy đời, là anh chàng cà thọt ảo tưởng.
Dầu vậy, sau mỗi lần trò chuyện với Ignatio, Phanxicô bị đánh động bởi điệp khúc: “Anh Phanxicô này, hãy nghĩ kĩ lời Chúa Giêsu đi: được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì? Một tâm hồn cao cả như anh, không thể chỉ bị gò bó với những vinh quang thế trần, nhưng phải hướng đến vinh quang thiên quốc mới đúng. Thật vô lý nếu chúng ta chỉ ưa chuộng những thứ phù vân, giả tạo”. Những lời ấy khiến cho Phanxicô phải suy nghĩ và quyết định đổi đời, từ bỏ vinh hoa trần gian, đi tu làm linh mục và là một trong bảy thành viên sáng lập nên Dòng Tên.
Phanxicô nhiệt thành loan báo Tin Mừng. Tiếng ngài vang vọng từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Srilanka, đến Nhật Bản. Ngài đã rửa tội cho hàng trăm ngàn tân tòng và gầy dựng nhiều cộng đoàn tín hữu khắp nơi. Thánh Phanxicô Xaviê đã đến Việt Nam? “Một số tác giả tin rằng thánh Phaxicô Xaviê có đến VIệt Nam. Họ dựa trên lá thư do chính thánh nhân viết, tháng 7/1549 kể rằng: trên đường đến Nhật Bản, ngài gặp cơn bão ở biển Cochinchina, phái đoàn có tấp vào bờ để kiếm củi. Theo sử gia Gispert thì nơi thánh nhân đã ghé vào là Cửa Bạng, Thanh Hóa. Tương truyền ở Cửa Bạng, Thanh Hóa, có một loại cua trên mai có hình chữ thập trắng. Theo truyền thuyết, thánh Phanxicô đi thuyền qua vùng biển này, ngài đánh rơi một thánh giá nhỏ. Một con cua cắp lên trả, được ngài chúc lành với dấu thánh giá in lại trên mai.” (Lm Đào Trung Hiệu, Hành Trình Ân Phúc, tr 20).
Thành ra, các Giáo hội tại Á Châu, trong đó có Giáo hội Việt Nam chúng ta thực sự biết ơn thánh Phanxicô Xavie. Chính nhờ lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng của ngài mà chúng ta được lãnh nhận ơn cứu rỗi.
Ngày 2/12/1552, trong hải trình đến Trung Hoa, thánh Phanxicô Xaviê đột ngột ngã bệnh và qua đời ngay tại cửa khẩu Quảng Châu, hưởng dương 46 tuổi. Xác thánh nhân được đưa về Ấn Độ để an táng. Bảy mươi năm sau, Đức thánh cha Grêgôriô XV tuyên phong ngài lên bậc hiển thánh, và năm 1904 Đức thánh cha Pio X đặt ngài làm bổn mạng các xứ truyền giáo.
Mừng lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, nhà truyền giáo lừng danh, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu nơi ngài. Đồng thời, noi gương thánh nhân cùng xin thánh nhân cầu bầu để mỗi chúng ta biết buông bỏ vinh hoa trần gian, mà tìm vinh danh Thiên Chúa, qua cuộc sống yêu thương phục vụ: “Người ta sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy nếu các con có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,24-35).