Featured Posts

«Giáo Hội suy tôn các Thánh giúp chúng ta noi theo gương sáng của các Ngài đã sống đẹp lòng Chúa, hầu giúp chúng ta cũng sống nên thánh »

Ngày 18 tháng 11 CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ

1. Đôi nét về lịch sử.

Vương cung Thánh đường Phêrô ở Roma là một ngôi thánh đường danh tiếng nhất của Giáo Hội Công giáo. Đó là một ngôi thánh đường vĩ đại và là một bảo tàng viện về nghệ thuật và kiến trúc, được xây cất trên ngọn đồi Vatican trước kia là một nghĩa địa có di tích của Thánh Phêrô, nơi mà nhiều tín hữu thường đến đó để cầu nguyện.

Năm 319 Hoàng đế Constantin đã cho xây cất trên đó một ngôi thánh đường thật đồ sộ. Ngôi thánh đường này đã đứng vững trên một ngàn năm. Mặc dầu được tu bổ nhiều lần, nhưng cuối cùng đã lung lay và muốn sụp đổ. Đến năm 1506 thì Đức Giáo Hoàng Julius II quyết định san bằng và xây dựng lại một thánh đường mới nhưng đã kéo dài hơn hai trăm năm mới hoàn tất và sau đó được làm phép tận hiến.

Thánh đường Thánh Phaolô ở ngoại thành Vatican gần Abazia delle Tre Fontane, nơi thánh Phaolô bị chặt đầu là ngôi thánh đường lớn nhất trong thành Rome cho đến khi ngôi Thánh đường Phêrô được xây cất lại trên địa điểm đã được Hoàng đế Constantin xây cất lúc ban đầu. Vương cung thánh đường Phêrô hiện tại được xây lại sau cơn đại hỏa hoạn năm 1823.

Hai ngôi thánh đường Phêrô và Phaolô tuy xa cách nhau hơn một dặm nhưng được nối liền với nhau bởi một dãy hành lang có cột bằng đá cẩm thạch. Không phải vì uy thế và tinh thần của Thánh Phêrô, cũng như di cốt của ngài mà Giáo đô được đặt tại Roma. Đó là cơ duyên của lịch sử cũng như ân sủng mầu nhiệm của Thiên Chúa theo câu La ngữ được in khắc trên đỉnh vòm cao 400 mét của thánh đường: “Ngươi là đá, trên viên đá này Ta sẽ xây Giáo Hội của Ta và Ta sẽ ban cho ngươi chìa khóa của nước Thiên đàng.”

Vua Constantino Cả là hoàng đế cai trị nước Rôma từ năm 274 đến 337. Sau khi thắng vua Maxence, hoàng đế Constantinô Cả cho phép người Công giáo được tự đền thờ giữ đạo, và chính hoàng đế Constantinô cũng xin gia nhập công giáo vào năm 313. Nhưng mãi tới năm 323, hoàng đế Constantino Cả mới chịu phép rửa tội đền thờ tay đức giáo hoàng Sylvester. Hôm ấy bước chân vào nhà thờ, thấy nhà thờ trang hoàng tốt đẹp, vua Constantinô mới hỏi đức giáo hoàng Sylvester: “Tâu đức thánh cha, đây có phải là thiên đàng mà Thiên Chúa hứa cho những người giữ đạo không ? Bấy giờ đức giáo hoàng Sylvester trả lời rằng: Tâu đức vua, nhà thờ nay là nhà của Thiên Chúa, là hình bóng nước thiên đàng, là cửa đưa vào nước thiên đàng, chứ chưa phải là thiên đàng thực sự.

Hôm nay tôi cũng mượn lời đức giáo hoàng Sylvester để nhắc anh chị em: nhà thờ của chúng ta là cửa đưa chúng ta vào nước thiên đàng, nên anh chị em hãy siêng năng đến nhà thờ để thờ phượng Chúa nhất là các ngày chủ nhật, để Chúa đưa chúng ta vào nước thiên đàng sau này. Nếu đứng xa tuốt ngoài sân, thì sao được gọi là đã vào cửa thiên đàng. Mà chưa vào cửa thiên đàng, thì làm sao vào thiên đàng được. (mạng vietcatholic)

2. Đi tìm một ý nghĩa cho việc mừng kính hôm nay.

Xin mượn bài suy niệm của thánh Cesario giám mục Ác-lơ.

Anh em thân mến, hôm nay nhờ lòng khoan nhân của Đức Ki-tô, chúng ta hân hoan mừng rỡ cử hành ngày kỷ niệm khánh thành ngôi đền thờ này. Nhưng chính chúng ta phải là đền thờ đích thực và sống động của Thiên Chúa. Dân Ki-tô hữu quả có lý khi trung thành mừng kính ngày trọng đại của Mẹ Hội Thánh, vì họ biết nhờ Mẹ Hội Thánh mà họ được tái sinh vào cuộc sống thiêng liêng. Bởi vì khi sinh ra lần đầu, chúng ta là những kẻ đáng hứng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, nhưng lần sau, chúng ta đã được trở nên những kẻ được Người xót thương. Lần sinh thứ nhất dẫn chúng ta đến cõi chết, còn lần sinh thứ hai lại đưa chúng ta về cõi sống.

Thưa anh em, trước khi được thanh tẩy, mọi người chúng ta là miếu thờ ma quỷ, nhưng sau khi được thanh tẩy, chúng ta thành đền thờ của Đức Ki-tô. Nếu chúng ta để tâm suy nghĩ nhiều hơn về ơn cứu độ linh hồn, chúng ta sẽ biết chúng ta là đền thờ đích thực và sống động của Thiên Chúa. Thiên Chúa không chỉ ngự trong những đền do tay con người làm ra, cũng không chỉ ngự trong những ngôi đền bằng gỗ bằng đá, nhưng đặc biệt Người ngự trong linh hồn đã được dựng nên giống hình ảnh Người và do chính tay Người xây lên. Vì thế, thánh Phao-lô tông đồ đã nói: Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh em.

Và vì khi Đức Ki-tô đến, Người trục xuất ma quỷ ra khỏi lòng chúng ta để chuẩn bị ngôi đền thờ cho chính Người trong chúng ta, nên với sự trợ giúp của Người, chúng ta hãy cố gắng hết sức mình, để nơi chúng ta, Người không còn phải chịu sỉ nhục vì các việc làm xấu xa của chúng ta nữa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì sỉ nhục Đức Ki-tô. Như tôi đã nói: trước khi Đức Ki-tô cứu chuộc chúng ta, chúng ta là đền đài của ma quỷ, về sau chúng ta lại được nên ngôi nhà của Thiên Chúa: chính Thiên Chúa đã đoái thương làm cho chúng ta trở thành ngôi nhà cho Người ngự.

Vì thế, thưa anh em, nếu chúng ta muốn hân hoan mừng ngày cung hiến đền thờ, chúng ta không được dùng những hành động xấu xa để phá huỷ đền thờ sống động của Thiên Chúa nơi chúng ta. Sở dĩ tôi nói như vậy là để ai nấy có thể hiểu rằng: mỗi khi đến nhà thờ, chúng ta muốn thấy nhà thờ đó thế nào, thì chúng ta cũng phải chuẩn bị chính tâm hồn chúng ta như thế.

Bạn muốn thấy ngôi thánh đường sạch sẽ ư ? Bạn đừng làm cho linh hồn bạn ra ô uế vì những nhơ bẩn của tội lỗi. Nếu bạn muốn ngôi thánh đường rực sáng, thì Thiên Chúa cũng muốn bạn không được để cho linh hồn ra tối tăm, nhưng lời Chúa nói phải được thực hiện: ấy là ánh sáng của các việc lành chiếu sáng trong chúng ta và như thế, Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời, được tôn vinh. Bạn muốn vào ngôi thánh đường kia như thế nào, thì Thiên Chúa cũng muốn vào linh hồn bạn như thế, theo lời Người đã hứa: Ta sẽ ngự giữa họ và sẽ đi đi lại lại giữa họ.

Một vị mục sư đi ngang một tiệm bán đồ cổ Đại Hàn ở Los Angeles, ông chú ý đến cái tô bằng đồng rất đẹp. Ông bước vào tiệm hỏi:

– Ông chủ ơi, cái tô súp đó giá bao nhiêu tiền ?

Người chủ tức giận:

-Tôi cấm ông gọi cái đó là cái tô súp.

Vị mục sư xin lỗi:

– Nếu tôi có xúc phạm ông điều gì thì xin tha lỗi, tôi tưởng nó cũng là cái tô súp như những cái khác.

Người chủ trả lời:

– Đó không phải là tô súp, nhưng là cái tô được chế tạo cách đặc biệt, chỉ chứa đựng một loại rượu đặc biệt, trong một buổi lễ đặc biệt, đó là lễ cưới của hoàng gia Đại Hàn, và chỉ một mình vua Đại Hàn mới có quyền uống rượu từ chén đó thôi.

Đời sống chúng ta cũng vậy, đã được Chúa Cứu Thế Giêsu đổ máu ra mua chuộc, biệt riêng ra thánh, và còn để làm chỗ Chúa Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự mà thôi Cuộc đời chúng ta không thể chứa điều gì khác ngoài Chúa Thánh Thần là Đấng đang ngự trị trong đền thờ thân thể chúng ta. (ĐM)…

Nguồn: tgpsaigon.net