I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ
* Thánh Nữ Magarita là công chúa nước Anh. Với tư cách là hoàng hậu, Magarita đã cảm hóa được người chồng và đã giúp cho đất nước Scốtlen ngày thêm cường thịnh.
* Thánh Gertruđê sinh ngày 06-01-1256 tại Eisleben miền Saxe nước Ðức. Thánh nhân được ơn những dấu đinh vô hình và một vết thương trong lòng. Ngài muốn chịu khổ vì phần rỗi anh em và tìm những lời nồng cháy để cải hóa các tội nhân.
1.Thánh Magarita Scốtlen
Thánh nữ Magarita là công chúa nước Anh. Thánh nữ sinh năm 1045. Magarita và thân mẫu của ngài đã dùng tàu trốn sang xứ Scốtlen để thoát khỏi tay một ông vua xâm lược đất nước của họ. Vua Malcolm xứ Scốtlen đã chào đón hai người. Vị vua này có tình cảm với nàng công chúa xinh đẹp mới một lần gặp gỡ. Ít lâu sau, Malcolm và Magarita đã nên duyên vợ chồng.
Với tư cách là hoàng hậu, Magarita đã cảm hóa được người chồng và đã giúp cho đất nước Scốtlen ngày thêm cường thịnh. Malcolm có tính tốt, nhưng ông và các quần thần của ông lại cư xử rất thô lỗ cộc cằn. Khi nhận thấy vợ mình khôn ngoan, ông đã sẵn lòng nghe theo lời khuyên của hoàng hậu. Magarita đã giúp nhà vua chinh phục được tính nóng và thực hành những đức tính Kitô giáo. Magarita đã làm cho triều đình trở nên tốt đẹp và văn minh hơn. Đức vua và hoàng hậu là những tấm gương tuyệt vời vì họ thường cầu nguyện và cư xử rất tốt với nhau. Họ bố thí cho từng lớp người nghèo. Họ cố gắng bắt chước Đức Chúa Giêsu qua chính đời sống của họ.
Hoàng hậu Magarita là một ân ban cho hết mọi thần dân thuộc xứ Scốtlen. Trước lúc Magarita tới, cả xứ còn kém văn minh. Magarita đã hoạt động đắc lực để mời được những giáo sư tốt và chính hoàng hậu đã khuyến khích nền giáo dục tại đây. Magarita và Malcolm đã cho xây cất nhiều ngôi thánh đường mới. Thánh nữ thích làm những thánh đường đẹp để tôn vinh Thiên Chúa. Thực ra, chính hoàng hậu Magarita đã tự tay may lấy một số áo lễ cho các linh mục.
Magarita và Malcolm sinh được tất cả sáu con trai và hai con gái; và họ rất yêu thương con cái của mình. Cậu con út chính là Thánh Đavít. Nhưng Magarita cũng phải chịu nhiều đau khổ. Đang khi chịu cơn bệnh sau cùng, thánh nữ nghe biết người chồng và cậu con trai là Edward đã tử trận. Magarita qua đời bốn ngày sau đó, nhằm ngày 16 tháng Mười Một năm 1093. Đến năm 1250, Magarita được Đức Thánh cha Innôcentê IV tôn phong hiển thánh.
2. Thánh Gertruđê, Đồng Trinh
Thánh Gertruđê sinh ngày 06-01-1256 tại Eisleben miền Saxe nước Ðức. Người ta không biết gì về cha mẹ của Ngài, nhưng chắc hắn cha Ngài đã có lòng đạo đức sâu xa và đã dâng con gái 5 tuổi của mình làm tu sĩ tu viện Helfia theo luật dòng Thánh Bênêđictô.
Người nữ tu trẻ Gertruđê say mê học hành, trau dồi văn chương nghệ thuật, mà bỏ quên đời sống cầu nguyện.
Vào lúc 25 tuổi, trong một thị kiến, Chúa Kitô đã trách móc Gertruđê là đã bỏ Chúa để chỉ lo học hành. Sau thị kiến ấy Gertruđê đã thay đổi mà chỉ còn muốn học và suy gẫm Thánh Kinh, các Giáo phụ và các nhà thần học. Ngài kiềm chế tính hiếu động bằng việc hãm mình khổ chế và luôn sống trong sự kết hiệp liên lỉ với Chúa. Đáp lại việc hiến thân hoàn toàn ấy, Ngài được nhiều ơn thần bí phi thường.
Thánh nhân được ơn những dấu đinh vô hình và một vết thương trong lòng. Ngài muốn chịu khổ vì phần rỗi anh em và tìm những lời nồng cháy để cải hóa các tội nhân. Năm tháng cuối đời, Thánh nữ nằm bệnh bất động với những đau đớn dữ dằn. Ngày 17 tháng 10 năm 1031 hay là 1032 thánh nữ từ trần. Tương truyền rằng: lúc chết Ngài thấy Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ với đoàn người trên trời đến dẫn Ngài vào Thiên đàng. (Theo tinmung.net)
II. BÀI HỌC
Chúng ta học được bài học nào qua cuộc đời của hai thánh nữ này.
1. Với thánh nữ Magarita Scốtlen chúng ta thấy được tấm gương của một người phụ nữ thánh thiện. Magarita đã chu toàn được mọi bổn phận của cuộc đời làm mẹ, làm vợ qua đó thánh nhân đã cảm hóa được mọi người nhờ tấm gương thánh thiện và bác ái của mình.
Đầu thế kỷ 20, tại Luân đôn có một gia đình công nhân vừa nghèo khó lại vừa đông con: cả thảy 13 đứa! Bố của chúng phải đi làm việc suốt ngày ở xí nghiệp. Bà mẹ ở nhà làm nghề phụ và lo việc nội trợ. Dù đầu tắt mặt tối, bận bịu suốt ngày đêm, nhưng bà Vaughan vẫn vui vẻ thay mặt chồng dạy dỗ con cái học giáo lý, tập luyện chúng có tinh thần đạo đức, khuyên chúng chịu khó học tập, lao động, và đặc biệt trưa nào rửa chén bát xong bà Vaughan cũng đến nhà thờ chầu Chúa một giờ.
Láng giềng ai cũng lấy làm lạ hỏi bà: “Một bầy con 13 đứa, bận bịu sáng tối, mà sao trưa nào chị cũng đi chầu Thánh Thể?” Bà tươi cười bảo: “Thấy một bầy con lúc nhúc, ăn bữa mai, chạy gạo bữa hôm, tôi lo lắm. Hơn thế chúng còn đến trường học, theo bạn bè rủ rê đi chơi hoặc ra phố phường xa hoa, do đó nhiều nguy hiểm, tôi càng thao thức hơn. Thành thử mỗi ngày dù bận việc đến đâu, tôi cũng bỏ ra một giờ để chầu Chúa, sốt sắng xin Người ban ơn cho vợ chồng tôi nuôi nấng các cháu hằng ngày dùng đủ và dạy dỗ chúng nên người đạo đức.
Chúa đã nhận lời và ân thưởng cho lòng tin cũng như sự hy sinh của bà Vanghan: trong 13 người con, một người làm Hồng Y Tổng Giám mục giáo phận Luân đôn. Một người khác làm Tổng giám mục, hai người Linh mục, hai nam tu sĩ, hai nữ tu, còn năm người ở thế gian lập gia đình lưu truyền nòi giống, sống cuộc đời đạo đức thánh thiện. Gia đình bà Vanghan đã biết noi gương Thánh gia. Còn gia đình tôi thì sao? (ĐHY NVT trên đường lữ hành “)
2. Còn với Thánh Gertruđê, Đồng Trinh chúng ta học được bài học nhanh nhẹn tuân theo thánh ý Chúa.
Nhờ việc nhanh nhẹn sẵn sàng tuân theo thánh ý Chúa mà Gertruđê đã điều chỉnh được cuộc đời của mình để thuộc trọn về Chúa.
Việc tuân theo Thánh ý Chúa luôn sẽ luôn đem lại niềm vui cho cuộc sống của mình và là động lực giúp mình nên thánh.
Johannes Sebastian Bach là một nhạc sĩ Công giáo lừng danh người Đức, khi về già lâm phải căn bệnh trầm trọng có thể gây ra chứng mù lòa.
Một hôm, có người bạn đến báo tin có một bác sĩ giỏi về nhãn khoa mới tới thành phố, và ông ta sẵn sàng chữa đôi mắt cho nhạc sĩ bằng một cuộc giải phẫu. Nhạc sĩ thành tâm trả lời bạn quí:
– Xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa, tôi nhận lời.
Công việc chữa trị được tiến hành, nhưng 4 ngày sau đó khi mở băng trước sự hồi hộp đợi chờ của thân nhân chung quanh giường bệnh, nhạc sĩ đã trả lời:
– Xin vâng theo Thánh ý Thiên Chúa, tôi vẫn chẳng trông thấy gì cả?
Mọi người nghe vậy thì bật khóc vì thương cảm, bản thân ông cũng không khỏi xúc động, bầu khí như chùng xuống trong sự buồn đau.
Thế nhưng, thật bất ngờ, nhạc sĩ đã cố trấn tĩnh, cất tiếng cười vang tràn đầy lạc quan:
– Ơ hay, tôi đã bảo là xin vâng theo Thánh ý Thiên Chúa cơ mà. Nào, xin mọi người hãy hát lên cho tôi bản nhạc mà tôi thích nhất, đó là bài những điều Chúa làm, Ngài đều biết rõ!
Nguồn: tgpsaigon.net