Hôm nay chúng ta mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ. Giáo Hội cho chúng ta đọc lại những trang đầu của Tin Mừng Thánh Matthêô. Qua những trang Tin Mừng đặc biệt này chúng ta có dịp suy niệm về Ơn gọi Thiên Chúa dành cho Đức Maria Mẹ của chúng ta.
Thánh Sử Matthêô đã mở đầu chứng từ về Đức Giêsu Con Thiên Chúa với những lời sau đây: gia phả đức Giêsu Kitô, Con Vua Đavit, Con của Abraham…” (Mt l.l).
Đây là những lời loan báo về lòng từ bi Chúa đang và sẽ trải dài từ đời này sang đời khác, “vì lòng từ bi của ngài tồn tại muôn đời” (Cf Tv 100,5; l36).
Đọc lại đoạn Tin Mừng này hôm nay chúng ta thấy việc Chúa gọi Đức Maria để công tác vào chương trình cứu độ của Người thật là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm này đã khởi sự và trải dài qua suốt dòng lịch sử của loài người.
1. Mầu nhiệm của tiếng Chúa gọi.
Vâng điều đầu tiên chúng ta gặp khi đọc bản văn này là mầu nhiệm tiếng Chúa gọi. Sự chọn lựa của Thiên Chúa có tính cách nhưng không và đầy tình thương, không thể hiểu được theo những lý luận của lý trí, và nhiều khi còn là điều gây gương mù nữa.
Chẳng hạn, trong sách gia phả Đức Giêsu Kitô, chúng ta thấy Abraham thay vì chọn trưởng tử Ismael, con của bà Aggar, thì lại chọn Isaac, con của lời hứa, con của bà Sa-ra, vợ của ông. Rồi, đến lượt Isaac muốn chúc lành cho trưởng nam Esau, nhưng rốt cuộc lại chúc lành cho Gia-cóp, theo một ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Gia-cóp cũng không trực tiếp thông truyền sự nối dõi giòng giống dẫn tới Đấng Messia. Ông đã không chọn Ruben, con trưởng, hoặc chọn Giuse, người được ông yêu thương nhất, người giỏi giang hơn tất cả các anh em, người đã tha thứ cho anh em mình và cứu họ thoát khỏi nạn đói ở Ai Cập. Nhưng lại chọn Giuđa, người con thứ tư, người đã cùng với các anh em khác chịu trách nhiệm về việc bán Giuse cho các lái buôn để họ đưa cậu sang Ai Cập.
Nếu việc Thiên Chúa chọn lựa các tiền nhân của Đấng Messia là một mầu nhiệm làm cho chúng ta chú ý thì việc Chúa chọn Đức Maria để cộng tác với Người lại càng làm cho chúng ta ngạc nhiên hơn. Để chuẩn bị cho Con của Người nhập thể, Thiên Chúa đã không chọn những bậc cung vương quyền thế, đã không chọn những con người giỏi giang xuất chúng…. nhưng Người đã chọn một cô thôn nữ bình thường, một người con gái sống ở một nơi chẳng ai màng tới, một thiếu nữ nhà quê nghèo nàn lạc hậu. Vâng đó là công việc của Chúa.
Xét như vậy thì chúng ta thấy chẳng ai trên trần gian này xứng đáng để được Thiên Chúa chọn, chẳng ai được chọn vì công trạng của mình, nhưng chỉ vì lòng từ bi của Chúa. Chúng ta hãy nghe lại lời của tiên tri Giêrêmia như một kinh nghiệm: Chúa đã nói: “Ta đã yêu thương con bằng tình yêu đời đời” (Ger 3,1,3). Hay như lời tiên tri Isaia “Từ lòng mẹ, Chúa đã gọi tôi” (Is 49,1). Như vậy điều làm cho một thụ tạo hãnh diện, đó là ý thức mình được gọi và được chọn vì tình thương.
2. Mầu nhiệm của tội lỗi và ân sủng
Rồi nếu chúng ta đi xa hơn một chút nữa: khi xét tên của các Vua ở trong sách gia phả Đức Giêsu, chúng ta lại có thể nhận ra rằng chỉ có hai vị là trung thành với Thiên Chúa, đó là Ezechiel và Geroboam. Những vua khác đều là những kẻ thờ thần tượng, vô luân, sát nhân… Cả trong thời kỳ sau cuộc lưu đày, trong số các vua được kể tên, chúng ta chỉ thấy có hai người còn trung thành với Chúa, đó là Salathiel và Zorobabel. Những vua khác đều là những kẻ tội lỗi hoặc không được biết đến.
Riêng đối với Đavid, người nổi danh nhất trong các vua vì từ dòng dõi này Đấng Messia đã được sinh ra thì sự thánh thiện và tội lỗi xen lẫn nhau: Ngài đã công khai xưng thú các tội ngoại tình và sát nhân trong các Thánh Vịnh do Ngài viết. Hẳn anh chị em đã có lần nghe những lời được viết trong nước mắt và cay đắng trong Thánh Vịnh 50, một Thánh vịnh đã trở thành kinh nguyện thống hối thường được dùng trong phụng vụ của Giáo Hội.
Cả những phụ nữ, những người mà Mathêu nêu tên trong đầu sách Tin Mừng của ngài như những người mẹ thông truyền sự sống, từ cung lòng phúc lành của Thiên Chúa, cũng gợi lên nơi chúng ta một sự xúc động.
Tất cả họ đều là những phụ nữ ở trong những hoàn cảnh bất hợp lệ: Tamar là một phụ nữ tội lỗi, Racab là một gái mãi dâm, Rut là một người ngoại bang và về người phụ nữ thứ tư, người ta không dám nêu danh, và chỉ nói “đó là vợ của ông Uria” . Người đàn bà đó chính là bà Betsabea mà vua Đavit đã ngoại tình.
Tuy nhiên, từ dòng lịch sử tràn đầy tội lỗi và tội ác này đã phát sinh ra một nguồn nước trong, và khi càng đến thời gian của Chúa thì giòng nước ấy càng trở nên sung mãn. Đến Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và đến Chúa Giêsu, Đấng Messia thì tất cả đã trở nên kỳ diệu đến lạ lùng.
Như vậy danh sách những người tội lỗi mà Mathêu nêu rõ trong gia phả của Chúa Giêsu không được gây gương mù cho chúng ta. Trái lại, gia phả ấy phải tuyên dương mầu nhiệm từ bi của Thiên Chúa. Chúng ta thấy trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã chọn Phêrô, người đã chối Ngài, và chọn Phaolô, người đã bách hại Ngài. Vậy mà các vị lại trở nên những cột trụ của Giáo Hội. Chúng ta thấy ở thế gian này, khi một dân tộc viết lịch sử chính thức của mình, thì họ thường nói về những chiến thắng đã đạt được, những vị anh hùng nổi danh, hoặc sự cao cả của mình… Còn đối lịch sử ơn Cứu độ thì đây quả là một trường hợp duy nhất, thật đáng ngưỡng mộ, khi thấy một dân tộc không hề muốn dấu diếm những tội lỗi của tiền nhân trong lịch sự chính thức của mình.
Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa về những công trình kỳ diệu Chúa đã thực hiện giữa chúng ta đặc biệt qua việc tuyển chọn một người phụ nữ ở giữa loài người chúng ta để Người trở thành Mẹ của Thiên Chúa và Mẹ của cả loài người.
Với biến cố nhập thể, qua Đức Maria, Thiên Chúa đã làm cho Nước của Người hiện diện giữa chúng ta. Và như Đức Giêsu đã nói Nước ấy đang tăng trưởng từ từ, âm thầm, như một hạt cải.. . Giữa sự viên mãn của thời gian và tận thế, Giáo Hội đang hành trình như một Dân tộc hy vọng.(HY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận)
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Ðức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Ðức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Ðức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Ðường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa
Nguồn: tgpsaigon.net