I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
Thánh Gioan sinh ở Capestrano, nước Ý năm 1385. Ngài là con của một cựu hiệp sĩ người Ðức sống trong thành phố. Ngài học luật ở Ðại Học Perugia và hành nghề luật sư ở các tòa án Naples. Khi 26 tuổi, ngài được Hoàng Ðế Ladislas của Naples bổ nhiệm làm thủ hiến xứ Perugia. Trong cuộc chiến tranh với người Malatestas ở lân cận, ngài bị phản bội và bị cầm tù. Sau khi được thả về, ngài quyết tâm thay đổi cuộc đời và gia nhập dòng Phanxicô ở Perugia năm ngài 31 tuổi.
Sau khi được thụ phong linh mục vào bốn năm sau, ngài đi rao giảng khắp các nước Ý, Ðức, Bohemia, Áo, Hung Gia Lợi, Ba Lan và Nga. Vào lúc người ta thờ ơ và nghi ngờ tôn giáo thì ngài đã lôi cuốn được nhiều người trở về với Giáo Hội. Các quốc gia miền trung Âu Châu đã tiếp đón ngài cùng với các tu sĩ Phanxicô như các thiên thần của Thiên Chúa. Họ là những khí cụ để hồi phục niềm tin đang dẫy chết.
Chính dòng Phanxicô cũng trong tình trạng xáo trộn về việc giải thích và tuân giữ quy luật của Thánh Phanxicô. Qua các nỗ lực không ngừng của Cha Gioan Capestrano và nhờ kinh nghiệm luật pháp của ngài, tà giáo Fraticelli bị cấm hoạt động và Linh Ðạo Thánh Phanxicô tinh tuyền lại được nêu cao.
Khi vua Hồi Giáo là Mohammed II đe dọa tấn công Vienna và Rôma, Cha Gioan Capestrano, dù đã bảy mươi tuổi, được Ðức Giáo Hoàng Callistus II giao cho công việc rao giảng và chỉ huy thập tự quân chống với sự xâm lăng của người Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với đoàn quân bảy mươi ngàn Kitô Hữu, ngài đã chiến thắng người Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến sau cùng ở Belgrade năm 1456. Ba tháng sau ngài từ trần ở Illok, Hung Gia Lợi ngày 23-10-1456. Ngài được đặt làm quan thầy của các luật gia.
II. BÀI HỌC.
Trên mộ của thánh nhân ở làng Villach, Hung Gia Lợi, quan đầu tỉnh đã cho khắc những hàng chữ sau: ”Ngôi mộ này là nơi chôn cất Thánh Gioan, sinh ở Capestrano, một người đáng được ca tụng, người biện hộ và cổ võ đức tin, người bảo vệ Giáo Hội, người hăng say che chở nhà dòng, niềm vinh dự cho cả thế giới, người yêu quý sự thật và công bình, gương sáng cho đời sống, vững chắc trong giáo lý; được bao người đời ca tụng, ngài đang sung sướng ngự trên thiên đàng.” Văn mộ chí ấy thật xứng đáng cho một người lạc quan chân chính và thành công.
Trong những lời ca tụng thánh Gioan Capestranô hôm nay, tôi chỉ xin nhấn mạnh đến một lời….một lời rất cần cho mọi thời đại nhất là thời đại hôm nay. Đó là vấn đề làm gương sáng cho đời sống.
Cuộc đời của thánh Gioan chẳng thiếu những việc tốt lành thánh thiện nhưng có những việc mang tên là tấm gương sáng là những việc đáng ghi công nhất vì nó rất cần cho cuộc sống ở bất cứ thời đại nào.
Một hôm Thánh Phanxicô Assisi gọi một tu sĩ trẻ đến và bảo :
-Này, ta đi giảng đạo nhé !
Hai cha con ra đi, sau khi rảo chân khắp phố, thánh nhân bảo thầy kia :
-Nào, ta trở về.
Thầy kia ngạc nhiên hỏi :
-Thưa cha, thế bao giờ cha mới đi giảng ?
-Giảng rồi thầy ạ!
-Lạ, chúng ta đã giảng chi đâu?
-Này, chúng ta đã giảng bằng sự nghiêm trang tề chỉnh của chúng ta đó.
Một trong những nhà truyền thuyết giáo xuất chúng nhất của thế kỷ 19 là Đức Hồng Y Mermillotd, Giám mục giáo phận Lausanne (Thụy sĩ). Ngài qua đời năm 1892. Có một lần, sau khi giảng về phép Mình Thánh Chúa trong nhà thờ chính tòa, giáo dân ra về. Còn ngài theo thói quen ở lại chầu Mình Thánh Chúa nửa giờ. Khi ngài vừa đứng dậy để đi ra, ngài nghe có tiếng của một bà gọi ngài lại. Ngài rất ngạc nhiên, vì ngài tưởng không còn ai trong nhà thờ nữa. Người phụ nữ trình bày:
“Kính thưa Đức Cha, con đã nghe Đức Cha giảng. Bài giảng rất thuyết phục. Nhưng những lời Đức Cha nói suông chưa làm con xác tín về phép Thánh Thể. Con biết Đức Cha giống như một luật gia bảo vệ cho đức tin của Giáo hội công giáo. Con còn muốn điều gì hơn thế nữa. Vậy là con nấp trong nhà thờ và con quan sát. Khi con thấy Đức Cha quỳ gối cầu nguyện hồi lâu và sốt sắng, dù Đức Cha biết trong nhà thờ không có ai, gương sáng ấy đã đánh động con. Con không muốn theo đạo Tin lành nữa. Con muốn trở lại đạo công giáo”.
Thánh Grêgôriô nói:
“Người có nhiệm vụ khuyến khích những nhân đức cao cả, thì chính họ cũng có nhiệm vụ thi hành trước.”
Một sinh viên tới gặp một cha xứ ở Tiểu Bang Texas và thưa với ngài:
– Thưa cha, con phải làm gì để có thể gia nhập đạo của Giáo Xứ này được?
Nghe vậy, vị tinh mục hỏi lại:
– Tại sao cậu lại muốn gia nhập đạo của Giáo Xứ này?
– Thưa cha, các bạn học của con thuộc nhiều tôn giáo khác nhau, thế nhưng các bạn thuộc Giáo Xứ này lại là những sinh viên xuất sắc về mọi mặt. Họ là những người bạn con tôn trọng và kính nể hơn cả. Con chưa gia nhập tôn giáo nào, từ lâu con vẫn âm thầm theo dõi, tìm kiếm và ước ao gia nhập đạo. Sau khi nhận xét cách sống của các bạn, giờ đây con quyết định và chỉ ước muốn gia nhập đạo Công Giáo để trở nên môn đệ thực sự của Chúa Kitô.
Kính thưa anh chị em!
Tôn giáo không phải là đề tài tranh luận nhưng là lẽ sống cần phải được tôn trọng, vì có liên quan đến cuộc sống vĩnh cửu. Không ai có quyền ép buộc người khác phải theo những xác tín tôn giáo của mình. Mỗi người đều có quyền quyết định lựa chọn tin theo điều đối với Họ là tốt nhất trong cuộc sống nội tâm riêng tư của Họ, và không ai có quyền bình phẩm hay loại trừ.
Biết tôn trọng xác tín tôn giáo của tha nhân là phương thế duy nhất để buộc người khác tôn trọng xác tín của chúng ta. Thế nhưng mỗi người đều có quyền và có bổn phận tuyên xưng cách trung thành niềm tin tôn giáo của mình. Là Kitô hữu, chúng ta có bổn phận và vinh dự làm chứng về tình yêu, chân lý và công bình với niềm tin xác tín sâu xa rằng, công chính, chân lý và tình yêu là những điều thuộc về Thiên Chúa.
Đời sống của người tín hữu sẽ có ý nghĩa gì nếu chỉ sống với Thiên Chúa bằng môi miệng mà lòng trí lại xa cách Ngài. Cuộc sống người Kitô hữu phải là chứng tá sống động về sứ điệp, về sự hiện diện của Chúa và tình yêu huynh đệ chân thành. Nếu người Kitô hữu biết nhật ra Đức Kitô nơi người nghèo, nơi những người đau khổ bệnh tật thì qua chứng tá đó người khác cũng sẽ nhận biết tình yêu Chúa Kitô qua cuộc sống của họ. Nếu người tín hữu chân thành, ước muốn chinh phục và rao truyền Chúa Kitô cho người khác, họ không bao giờ có thể quên dùng sức mạnh của gương sáng đời sống được. Lời nói như gió bay qua, nhưng gương lành là như tay tôi kéo lại.
Chúa Giêsu chính là sứ giả và là hiện thân tình thương Thiên Chúa Cha, Ngài là mô phạm truyền giáo trọn hảo nhất, Ngài nói sau khi đã hoàn tất một hành động, một cử chỉ, một phép lạ. Còn chúng ta, chúng ta thường nói trước rồi sau đó mới làm, có khi nói nhiều hơn làm và còn tệ hơn nữa khi nói một đàng làm một nẻo. Làm như thế tức là chúng ta phản chứng tá và nên cớ cho người khác vấp ngã hoặc không tin đạo chúng ta tuyên xưng nữa. Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh dân chúng rằng: Không phải người nói với Thầy, lạy Chúa, lạy Chúa sẽ được vào Nước Trời, nhưng là người làm theo ý Cha Thầy.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con phải nên trọn lành như Chúa Cha trên trời là Đấng trọn lành, để người khác nhận thấy việc chúng con làm mà ngợi khen Thiên Chúa. Xin Chúa dùng tình yêu và ánh sáng chân lý biến đổi tất cả cuộc sống con, để bất cứ đi đâu, làm gì con cũng sẽ mang ánh sáng của Chúa cho mọi người, để họ cũng được ơn nhận biết Chúa, đặt tin tưởng vào Chúa và được sự sống đời đời mà Chúa muốn ban cho tất cả mọi người. Amen.
Nguồn: tgpsaigon.net