I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
Thánh Stê-pha-nô sinh tại Ết-tẹt-gon khoảng năm 972, là con của vua Gey-sa nước Hung-ga-ri. Nhà vua là người ngoại giáo, nhưng khi cưới Sa-rôn-ta là người Công giáo thì nhờ ảnh hưởng của nàng mà trở lại đạo.
Lúc còn nhỏ, thánh nhân đã được mẹ huấn luyện đạo đức kỹ lưỡng. Năm lên 10 tuổi thì vua cha xin thánh A-đan-bê rửa tội cho ngài, đồng thời mời các nhà truyền giáo đến giảng đạo trong nước ông. Từ đó, Stê-pha-nô được các nhà truyền giáo chăm sóc dạy dỗ thêm đàng nhân đức. Và lúc 15 tuổi, ngài phụ giúp vua cha cai trị đất nước, cho đến lúc ông qua đời thì lên ngôi kế vị.
Từ ngày lên ngôi vua, thánh nhân lo ký kết thỏa hiệp với các nước láng giềng, để cho toàn dân được an cư lạc nghiệp, Ngài phóng thích nô lệ, ân xá các tù nhân, mở cơ quan từ thiện, giúp đỡ người nghèo và những kẻ già yếu bệnh tật.
Để có người cộng tác trong việc mở mang kiến thức cho dân chúng, thánh nhân đã mời các tu sĩ đến mở trường dạy học. Ngài còn làm một việc đặc biệt là sai sứ giả đến xin Đức Giáo Hoàng nhận nước Hung-ga-ri là quốc gia Ki-tô-giáo và phong vương cho ngài. Năm 1000, Đức Giáo Hoàng Syl-vét-te thứ 3 đã công nhận và gởi cho ngài mão triều thiên. Để đáp lại lòng ưu ái của Đức Thánh Cha, ngài ra sức Ki-tô hoá vương quốc của ngài. Ngài thiết lập 8 toà Giám mục, nhiều tu viện và xây cất thánh đường khắp nơi trong nước.
Dù bận lo việc nước việc đạo như thế, thánh nhân cũng không bỏ qua việc cầu nguyện hãm mình hằng ngày và dạy dỗ con cái. Các con của ngài đều chết sớm, chỉ còn lại một mình Em-mê-ríc sau này kế vị ngài. Ngài ân cần khuyên bảo cậu sống đạo đức thánh thiện: “Con rất yêu quí, tiên vàn cha truyền cho con, khuyên nhủ con, mời gọi con; nếu muốn làm vẻ vang cho vương miện nhà ta, thì con hãy cẩn thận và ân cần gìn giữ đức tin Công giáo và tông truyền, để trở thành gương sáng cho mọi người Chúa đặt ở dưới quyền con, và mọi người trong hàng giáo sĩ sẽ phải công nhận con là người tuyên xưng đức tin Ki-tô-giáo thật sự; nếu không thì người ta sẽ chẳng còn gọi con là Ki-tô-hữu hay là con cái của Hội thánh nữa.
Vậy trong đền vua, sau đức tin, thì Hội thánh phải chiếm hàng thứ hai. Hội thánh trước hết đã được chính Thủ lãnh là Đức Ki-tô gieo mầm, rồi được các chi thể của Người là các tông đồ và các giáo phụ đem trồng và xây dựng chắc chắn và được lan rộng ra khắp địa cầu. Nên cho dù Hội thánh luôn luôn sinh ra những con cái mới, song ở nhiều nơi, Hội thánh thật đã xa xưa.
Hội thánh ở nước ta còn trẻ trung và mới mẻ, nên cần phải có người bảo đảm và sáng suốt gìn giữ, kẻo ơn lành và lòng nhân từ Chúa đã ban cho chúng ta là những kẻ bất xứng, phải phá sản và mất đi vì con sơ xuất, lười biếng chậm chạp.
Con rất yêu quý, con là sự êm ái của lòng cha, là hy vọng của dòng dõi cha, cha khuyên con, cha truyền cho con, bằng mọi cách và trong mọi việc phải tỏ ra từ tâm…
Sau cùng con hãy can trường, đừng thấy phát đạt mà tự cao, đừng vì trở ngại mà nản chí, phải khiêm nhượng để được Chúa nâng lên ở đời này và trong đời sau…”
Thánh nhân qua đời ngày 15 tháng 8 năm 1038, và được tôn phong Hiển thánh năm 1083.
II. BÀI HỌC
Vua thánh Stêphanô đã để lại cho tất cả chúng ta nhiều bài học quí giá
1. Nổi bật nhất là lòng yêu mến Giáo Hội
“Hội thánh ở nước ta còn trẻ trung và mới mẻ, nên cần phải có người bảo hộ và sáng suốt gìn giữ, kẻo ơn lành và lòng nhân từ Chúa đã ban cho chúng ta là những kẻ bất xứng, bị phá sản và mất đi vì sơ xuất, lười biếng chậm chạp của con.”
Ít có vị lãnh đạo trần thế nào có lòng yêu mến và chăm lo cho Giáo Hội như thế.
Trong một bữa cơm thân mật có người hỏi Đức ông Pelgallo:
– Đức ông là người thân cận Đức Thánh Cha vậy có điều gì nơi Đức Thánh Cha đánh động Đức ông hơn cả?
– Dĩ nhiên Đức Thánh Cha Phaolô VI là một vị Giáo Hoàng rất thông minh và thánh thiện. Nhưng riêng tôi, điều làm tôi cảm kích hơn cả nơi Ngài là lòng hy sinh vì yêu Hội Thánh. Mỗi khi hòa mình với đám đông ở Roma, ở Manila chẳng hạn, hầu như Ngài quên tất cả, Ngài để cho mọi người lôi kéo. Chúng tôi, những kẻ có nhiệm vụ bảo vệ Ngài, phải lắm phen cực nhọc… Nên những lúc thân mật cha con, chúng tôi vẫn thưa với Ngài:
– Thưa Đức Thánh Cha, chúng con thấy Đức Thánh Cha vất vả quá, với muôn ngàn lo âu, thức khuya dậy sớm. Lắm phen nguy hiểm đến tính mạng. Đức Thánh Cha để cho đám đông lạ mặt lôi kéo như thế: chúng con ngăn cản bảo vệ không nổi. Xin Đức Thánh Cha gìn giữ sức khỏe cho.
Nhưng mỗi lần như thế, Ngài đều đáp lại với chúng tôi như một điệp khúc nhỏ nhẹ, dịu dàng: “Tất cả vì Hội Thánh, vì Hội Thánh”. Nhiều khi chúng tôi mệt lả, ngao ngán, nhưng nhớ đến câu nói của Ngài, chúng tôi phải vươn lên theo Ngài, không thể bỏ Ngài, và càng cảm phục kính mến Ngài hơn nữa.
2. Bài học thứ hai là yêu thương và dạy dỗ con cái.
Chúng ta tự hỏi: một người cha trong gia đình thường muốn con cái của mình là người như thế nào?
Chúng ta hãy nghe lại lời ngài khuyên con:
“Con rất yêu quý, con là sự êm ái của lòng cha, là hy vọng của dòng dõi cha, cha khuyên con, cha truyền cho con, bằng mọi cách và trong mọi việc phải tỏ ra từ tâm…”
Chúng ta hãy nghe tiếp ước mong của một người làm cha khác
(Trích thư của Tổng Thống Mỹ Abraham Lincoln gửi cho thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học)
Đây là lá thư của Tổng thống Abraham Lincoln viết gởi cho thầy hiệu trưởng của trường nơi con trai ông theo học.
Kính gửi thầy…
Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này. Rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết: cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố, thì ở đâu đó, sẽ có một con người chính trực; bên cạnh một chính trị gia ích kỷ, sẽ xuất hiện một nhà lãnh đạo tận tâm.
Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cứ mỗi một kẻ thù ta gặp ở nơi này thì ở nơi khác ta lại tìm thấy một người bạn. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết; nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu hiểu rằng một đồng đô la kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với năm đô la nhặt được trên hè phố…
Xin hãy dạy cho cháu học cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cháu tránh xa sự đố kỵ. Xin dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác là những kẻ dễ bị đánh bại nhất…
Xin hãy dạy cho cháu biết đến thế giới kỳ diệu của sách… nhưng cũng để cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong nắng, và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.
Ở trường, xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận trong khi thi. Xin hãy tạo cho cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, cho dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó là không đúng…
Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng với những người hòa nhã và cứng rắn với những kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chạy theo thời thế.
Xin hãy dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng xin thầy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới Chân Lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp mà thôi.
Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã… Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn trọng trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.
Xin hãy dạy cho cháu rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất nhưng không bao giờ được để cho ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình.
Xin hãy dạy cho cháu biết ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông gào thét… và đứng thẳng người bảo vệ lẽ phải.
Xin hãy đối xử với cháu dịu dàng nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên những thanh sắt cứng rắn. Hãy giúp cháu có can đảm biểu lộ sự thiếu kiên nhẫn; và có đủ kiên nhẫn để biểu lộ sự can đảm.
Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân bởi vì khi đó cháu sẽ luôn có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.
Đây quả là một yêu cầu quá lớn, tôi biết, thưa thầy, nhưng xin thầy cố gắng hết sức mình… con trai tôi là một cậu bé tuyệt vời.
Nguồn: tgpsaigon.net