Featured Posts

«Giáo Hội suy tôn các Thánh giúp chúng ta noi theo gương sáng của các Ngài đã sống đẹp lòng Chúa, hầu giúp chúng ta cũng sống nên thánh »

THÁNH BLASIÔ, giám mục, tử đạo và THÁNH ANSGARIÔ, giám mục (St. Blase, St. Ansgar) Ngày 03/02

Thánh Blasiô đã có một đức tính hiền lành, khiêm nhu ngay từ khi còn nhỏ tuổi. Với tấm lòng đạo đức và tinh thần nhiệt thành phục vụ, thánh nhân càng lớn tuổi càng trở nên khôn ngoan nhưng vẫn giữ được sự khiêm nhường và lòng đạo đức mà người ta ít gặp nơi những người khác.

MỘT CON NGƯỜI ĐẠO ĐỨC ĐƯỢC MỌI NGƯỜI QUÍ MẾN:

Thánh nhân là con người thánh thiện, nổi bật trong những người cùng trang lứa lúc bấy giờ đang sống ở làng quê của Ngài. Với tính tình khiêm nhu, đơn sơ, và lòng đạo đức trổi vượt, thánh nhân đã được mọi người yêu thương, quí mến, kính trọng, do đó họ đã đồng thanh đề cử Ngài lên chức giám mục thành Sébaste thuộc xứ Arménie, nước Thổ Nhĩ Kỳ. Trên ngai tòa giám mục, thánh nhân đã hết lòng yêu thương đàn chiên và luôn chứng tỏ Ngài là vị mục tử nhân lành đến cho đàn chiên được sống và sống dồi dào. Ngài củng cố lòng tin của đàn chiên và yêu thương từng con chiên một. Tuy nhiên, vào năm 320-324, Licimius ra lệnh bắt bớ đạo Chúa và tiêu diệt chủ chiên hầu làm cho đàn chiên tan rã. Đây là chính sách rất thâm độc của Licimius. Bị truy nã gắt gao, thánh Blasiô phải bỏ tòa giám mục trốn lên trên rừng vắng xa xôi, tránh cơn bắt bớ thảm khốc của Licimius, suốt ngày đêm cầu nguyện và tâm sự cùng Thiên Chúa.

THÁNH NHÂN BỊ BẮT VÀ ĐƯỢC PHÚC TỬ VÌ ĐẠO:

Cuộc bách hại đạo Chúa càng lúc càng gia tăng. Đàn chiên tan tác, đau khổ, chạy tán loạn như gà con mất mẹ.

Thánh Blasiô bị truy lùng càng lúc càng gắt gao: tổng trấn Agricola cho quân lính bủa vây khắp nơi, lùng xục mọi chỗ, nên họ đã bắt được Ngài và đem về bỏ tù, giam cầm trong ngục thất với trăm ngàn cực hình khốn khổ. Trong ngục tù, thánh Blasiô đã làm nhiều phép lạ rất lạ lùng cứu chữa nhiều người khỏi tật bệnh. Biết bao phép lạ của thánh nhân đã được các nước Tây Phương cũng như Đông phương biết đến và trân trọng. Sau cùng, thánh nhân được phúc đổ máu đào làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh và giúp cho Giáo Hội Arménie bền vững.

Lạy Chúa, nhờ lời thánh Blasiô tử đạo chuyển cầu, xin nghe tiếng dân Chúa nài van mà ban ơn phù trợ để chúng con sống bình an trong cuộc đời hiện tại, và mai ngày đạt tới phúc trường sinh ( Lời nguyện ca nhập lễ, lễ thánh Blasiô, giám mục, tử đạo )


THÁNH ANSGARIÔ, giám mục

Thánh Ansgariô là thầy dòng Bênêđitô sinh năm 801 trong một gia đình đạo đức, cha mẹ của Ngài luôn chỉ biết làm theo lời Chúa. Năm 823, thánh nhân được sai đến Nouvelle Corbie để phục vụ Tin Mừng của Chúa.

THÁNH ANSGARIÔ LÀ CON NGƯỜI THÁNH THIỆN:

Được sinh ra trong một gia đình có đời sống đạo đức, thánh Ansgariô lớn lên và tiến triển mau lẹ trên đường nhân đức. Thánh nhân, gia nhập dòng Bênêđitô và mau chóng trở nên con người gương mẫu trong đời sống tận hiến. Vì là con người đạo đức, thánh thiện, sáng trí và rất bề mực thước, thánh Ansgariô được trao giữ nhiều chức vụ quan trọng khác nhau ở các nước Đan Mạch, Thụy Điển và ở Schleswig. Thánh Ansgariô có một đời sống gương mẫu, trổi vượt sáng chói về sự thánh thiện và có tài điều khiển, tổ chức. Do đó, Giáo Hội đã cất nhắc Ngài lên chức giám mục thành Hamburg vào năm 831 và năm 847, thánh nhân coi sóc địa phận Brême. Có tài, có đức, thánh nhân lại được tòa thánh bổ nhiệm làm khâm sứ tòa thánh ở tất cả các nước Bắc Âu.

THÁNH ANSGARIÔ LUÔN SỐNG ĐỜI SỐNG CỦA MỘT THẦY DÒNG BÊNÊĐITÔ:

Là một giám mục, một khâm sứ tòa thánh, nhưng thánh nhân luôn sống đời sống khắc khổ khó nghèo của một thầy dòng Bênêđitô. Thánh nhân luôn tin tưởng, phó thác, cậy trông vào Chúa. Dù rằng kết quả chẳng được bao nhiêu qua những năm làm giámmmục, thánh Ansgariô không bao giờ chùn bước, không bao giờ tỏ ra thất vọng, bỏ cuộc. Thánh nhân đã gieo hạt Tin Mừng với tất cả nỗ lực, cố gắng, nhưng kết quả xem thấy chẳng được bao nhiêu. Thánh nhân luôn kiên trì, phó thác, cậy trông và vun đắp Giáo Hội Chúa Kitô làm cho Giáo Hội triển nờ, sinh hoa kết quả tươi tốt.

THÁNH NHÂN RA ĐI VỚI TẤT CẢ TIN TƯỞNG:

Dù rằng không được phúc đổ máu làm chứng cho Chúa, nhưng thánh Ansgariô đã ra đi bình an trong Chúa vào năm 865 tại giáo phận Brême với tâm hồn thánh thiện, thanh thản và hoàn toàn tin tưởng vào Chúa.

Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Ansgariô, giám mục,đem ánh sáng Tin Mừng đến cho các dân tộc Bắc Aâu. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu mà ban cho chúng con được bước đi luôn mãi trong ánh sáng chân lý của Chúa ( Lời nguyện ca nhập lễ, lễ thánh Ansgariô, giám mục ).


CÁC CHÂN PHƯỚC

Chân phước phê-rô Rúp-phi-a
Linh mục, tử đạo (1320-1365)

Tiểu sử
Cậu Phê-rô Rúp-phi-a chào đời quãng năm 1320 tại Rúp-phi-a thuộc miền Xa-vi-li-a-nô nước Ý. Cậu sớm gia nhập dòng Anh Em Thuyết giáo. Qua năm tập, rồi những năm ở học viện, thầy được nhận lãnh tác vụ linh mục.

Ở trong Dòng, cha Phê-rô sống một cuộc đời nhiệm nhặt, chay tịnh và hãm mình ; cha ra sức chuyên cần với sứ vụ học hỏi của Dòng là học hỏi chân lý vĩnh cửu, vì thế, cha rất nổi nang về đạo lý, bỏ mình hoàn toàn để phục vụ anh em và Giáo hội. Cha đã thi hành sứ vụ tông đồ trong nhiệm vụ của một nhân viên điều tra những người theo lạc giáo Van-đê, để đưa họ về với những phong hóa nền tảng của Ki-tô giáo. Chính vì nhiệm vụ này mà cuối cùng cha Phê-rô đã phải hy sinh tính mạng làm của lễ hiến tế Chúa Ki-tô và anh em.

Cha Phê-rô bị những người theo lạc giáo bắt giam và giết chết ở Xu-xa ngày 2-2-1365. Ðức giáo hoàng Pi-ô IX ngày 14-12-1856 đã cho phép tôn kính Người như một vị tử đạo. Thi hài của cha Phê-rô đã được dời về Tô-rin-nô.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã thương ban cho chân phước Phê-rô được nhận lãnh triều thiên tử đạo vì trung thành bênh vực đức tin chân chính, xin nhờ công đức và lời người chuyển cầu, cho chúng con khi hành động với đức tin và lòng mến cũng biết làm đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin

Ngày 3 tháng 2
Chân phước An-tô-ni-ô Pa-vô-ni-ô
Linh mục, tử đạo (1326-1374)

Tiểu sử
Cậu An-tô-ni-ô là con một gia đình danh giá, sinh quãng năm 1326 tại Xa-vi-li-a-nô, giáo phận Tu-ri-nô nước Ý. Năm 15 tuổi, cậu xin vào tu trong Dòng Ða Minh.

Vào dòng, thầy An-tô-ni-ô dồn mọi nỗ lực tìm hiểu khoa học thánh và tập luyện nhân đức để có khả năng đương đầu với những người theo lạc giáo. Sau khi thụ phong linh mục, cha An-tô-ni-ô được đặt làm tu viện trưởng tu viện Xa-vi-li-a-nô. Ðến khi chân phước Phê-rô Rúp-phi-a chịu tử đạo, cha An-tô-ni-ô nhận nhiệm vụ tổng thanh tra theo lệnh của đức giáo hoàng U-ban-nô V. Cha phụ trách việc điều tra về đức tin tại các miền Lôm-bác-đi-a Thượng và Li-gu-ri-a, bảo vệ và truyền bá đạo giáo. Cha đã liên tục giảng truyền Lời Chúa, khai sáng những trí óc u mê, tẩy trừ đồi phong bại tục là những căn nguyên sinh ra tà giáo. Cha nhận lãnh nhiệm vụ của một án quan và thi hành với tất cả lòng trung thành, cầu nguyện không ngơi và thực hành các nhân đức .

Chính vì lòng quả cảm tố giác sai lầm, vạch rõ âm mưu của bè rối mà người đã hy sinh mạng sống cho Chúa ngày 9-4 1374 tại Bơ-ri-kê-rô-ni-ô, khi vừa dâng thánh lễ xong. Ðức giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô XI, qua 3 bức thư năm 1375, đã chứng nhận việc tôn kính cha An-tô-ni-ô, và ngày 4-12-1856 đức giáo hoàng Pi-ô IX chuẩn nhận. Thi hài cha được tôn kính tại Rác-cô-ni-gi trong thánh đường của Dòng.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chân phước An-tô-ni-ô tâm hồn can đảm cổ võ sự thống nhất đức tin. Chúng con nài xin Chúa cho chúng con khi bước theo người, được biết đem lại ơn cứu độ cho các linh hồn, là cùng đích niềm tin của chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 3 tháng 2
Chân phước Ba-tô-lô-mê-ô Xéc-ve-ri
Linh mục, tử đạo (1420-1466)

Tiểu sử

Cậu Ba-tô-lô-mê-ô sinh quãng năm 1420 tại Xa-vi-li-a-nô, giáo phận Tu-ri-nô nước Ý. Thân phụ cậu là ông Giô-van-ni, lãnh chúa miền Rúp-phi-a.

Lớn lên, vì yêu thích đời sống tông đồ, cậu Ba-tô-lô-mê-ô đã từ giã gia đình và xin nhập dòng Anh em Thuyết giáo, dành trọn thời giờ sức lực để chuyên chăm các khoa học thánh. Năm 1452, cha Ba-tô-lô-mê-ô được công bố là tiến sĩ xứ Tu-ri-nô và được nhận vào đội ngũ giáo sư đại học.

Ðời sống chuyên lo tập luyện nhân đức, giảng dạy giáo lý thần học và ngời sáng về sứ vụ tông đồ cùng với nhiệm vụ của một nhân viên điều tra ở toà án dị giáo. Trong nhiệm vụ cai quản, cha Ba-tô-lô-mê-ô luôn luôn niêu cao gương khiêm tốn, hiền lành, thương xót, cẩn thủ luật pháp. Cha can đảm trong sứ vụ bảo vệ đức tin, không sợ nguy hiểm, không ngại khó khăn. Cha đi khắp nơi giảng Lời Chúa, khuyên bảo các tín hữu vạch trần các lầm lạc của tà giáo và không nao núng trước những lời đe doạ.

Cha được phúc lãnh triều thiên tử đạo vì có công bênh vực đức tin tinh tuyền. Cha bị đâm chết ngày 21-4-1466 khi đang trên đường từ Bơ-rê-đa đến Xéc-ve-ri. Ðức giáo hoàng Pi-ô IX đã tôn phong cha lên hàng anh hùng tử đạo ngày 22-9-1853. Thi hài của cha được đưa về Xéc-ve-ri.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã cho chân phước Ba-tô-lô-mê-ô trở nên người bênh vực đức tin rất tài ba và đã ban thưởng người triều thiên tử đạo, xin cho chúng con nhờ gương sáng và công đức của người, biết mang lấy thánh giá để đáng được cùng người chia phần vinh quang của Chúa. Chúng con cầu xin